Phù hợp và hiệu quả
Bộ Y tế vừa ban hành phác đồ điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp. Với phác đồ mới, điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp cần can thiệp bằng thuốc song song với điều trị tâm lý, hỗ trợ lâu dài về xã hội.
Can thiệp nhiều phương pháp
Quyết định số 786/QĐ-BYT hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng amphetamine chỉ rõ, việc sử dụng ma túy tổng hợp nói chung và các chất kích thích dạng amphetamine (ATS) nói riêng đang khá phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy, trong số người sử dụng ma túy tổng hợp, phần lớn là sử dụng và lạm dụng các chất kích thích dạng ATS. Trong khi đó, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ATS, mà cần một giải pháp tổng thể, bao gồm các can thiệp về tâm lý xã hội và các liệu pháp điều trị giúp giảm các tác động không mong muốn với cả người sử dụng ATS cũng như với cộng đồng.
![]() Có đến 48 - 58% người dùng ma túy tổng hợp có triệu chứng trầm cảm, lo âu |
Là chuyên gia trực tiếp nghiên cứu và triển khai phác đồ điều trị ma túy tổng hợp tại Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng phòng Nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Lê Thị Thu Hà cho biết, phác đồ điều trị ma túy tổng hợp đã có từ năm 2014 nhưng chỉ có cấu phần về điều trị, còn với phác đồ mới, việc điều trị cho người sử dụng ma túy tổng hợp bao gồm cả hỗ trợ về tâm lý (thường dành cho cộng đồng, cho người bệnh đã nghiện lâu), cấu phần về điều trị (dành cho cả những trường hợp nhiễm độc cấp) và hỗ trợ lâu dài về xã hội (giúp người bệnh không tái sử dụng lại ma túy, tái hòa nhập cộng đồng).
Theo các chuyên gia y tế, cai nghiện các loại ma tuý truyền thống (như heroin), việc cai nghiện thường sử dụng thuốc cắt cơn, nhưng với cai nghiện ma túy tổng hợp (ma tuý đá) không có thuốc hỗ trợ. Một số loại thuốc như D-amphetamine, methylphenidate, bupropion, mirtazapine và naltrexone có thể làm giảm lượng ma túy sử dụng. Trường hợp bệnh nhân bị loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc chống loạn thần.
Song, phương pháp quan trọng vẫn là hỗ trợ về tâm lý, nâng đỡ tinh thần. Bởi theo phân tích của nhóm chuyên gia xây dựng phác đồ điều trị, ma túy tổng hợp gây các triệu chứng trầm cảm, lo âu trong giai đoạn quá liều và thời kỳ cai. Trong đó, 28 - 36% bệnh nhân có loạn thần, bao gồm hoang tưởng bị truy hại, trên 77% bệnh nhân dùng ma túy đá bị loạn thần có hoang tưởng này. Gần 45% có “ảo thính”, nghe thấy tiếng đe dọa bên tai. Nếu dùng phối hợp với ma túy truyền thống, ma túy tổng hợp sẽ làm tăng số người có ý tưởng hoặc kế hoạch tự sát.
Bảo đảm hiệu quả
Theo Bộ Y tế, trong số 21 địa phương có thống kê, tỷ lệ người dùng ma túy tổng hợp chiếm xấp xỉ 50% tổng số người nghiện ma túy. Đặc biệt, có một số địa phương có tỷ lệ trên 80% như Trà Vinh là 90,7%; Đà Nẵng là 86%; Quảng Trị là 84%. |
Khẳng định phác đồ này là thay đổi rất lớn trong điều trị cho những người có rối loạn các chất ATS, Trưởng phòng Nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Lê Thị Thu Hà cho hay, không chỉ đầy đủ nhất, chi tiết nhất trên cơ sở những nghiên cứu mới nhất mà phác đồ còn bảo đảm được tính thống nhất trong triển khai phác đồ điều trị cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Do phác đồ mô tả rất chi tiết về việc hỗ trợ tâm lý và điều trị nên các bác sĩ nhận biết được trường hợp nào cần hỗ trợ và khi bị nhiễm độc cấp, cần xử lý ra sao cũng như sự hỗ trợ của xã hội về lâu dài như thế nào để người bệnh tái hòa nhập cộng đồng và không tái sử dụng ma túy tổng hợp.
“Phác đồ này ra đời đã giúp giải quyết được quan niệm trước đây rằng, những trường hợp rối loạn do ma túy tổng hợp gây ra chỉ trị liệu tâm lý là đủ. Phác đồ đã xác định rõ trong trường hợp bệnh nhân có những loạn thần như hoang tưởng ảo giác và rối loạn hành vi thì người bệnh được can thiệp ở đâu và như thế nào. Đơn cử như loạn thần trong trường hợp nhiễm độc cấp, rối loạn về cơ thể sẽ được trị liệu ở các cơ sở cấp cứu; trường hợp rối loạn về tâm thần sẽ chuyển sang các cơ sở cấp cứu về tâm thần hoặc các cơ sở tâm thần để điều trị. Còn khi người bệnh đã ổn định về tâm thần hoặc các rối loạn tâm thần nặng không xuất hiện nữa thì họ sẽ được điều trị như thế nào, hỗ trợ tâm lý ra sao, ở đâu và cách trị liệu tâm lý nào hiệu quả nhất cũng được giới thiệu chi tiết trong phác đồ này” - bà Lê Thị Thu Hà cho hay.
Mặc dù vậy, không ít chuyên gia cho rằng, việc thiếu bác sĩ tâm lý, trung tâm y tế sẽ là trở ngại để triển khai hiệu quả phác đồ mới này. Bởi có một thực tế là số lượng người nghiện ma túy tổng hợp đang ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có tới 223.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở Việt Nam.
Do đó, để phác đồ này có hiệu quả trong tương lai thì cần giải quyết “mắt xích” yếu nhất hiện nay là khâu hỗ trợ về tâm lý và xã hội cho người nghiện ma túy tổng hợp. Theo đó, trong quá trình cai nghiện, các bác sĩ cần can thiệp tâm lý và hành vi, tư vấn, tăng cường động lực để hỗ trợ người lệ thuộc ma túy cai nghiện. Bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai Dương Minh Tâm chia sẻ, với phương pháp điều trị tâm lý, các bác sĩ cần hỗ trợ bệnh nhân tập trung vào những điểm tốt của bản thân, vượt qua sự kỳ thị từ bên ngoài và tự kỳ thị. Đồng thời, giúp bệnh nhân hiểu về sự độc hại của ma túy tổng hợp, giúp bệnh nhân thiết lập mục tiêu cuộc sống và hoạt động có ý nghĩa để thay thế việc sử dụng ma túy.
Bên cạnh đó, cần tận dụng ngay những nguồn lực hiện có như khoa tư vấn tâm lý lâm sàng tại các bệnh viện lớn; bổ sung nhân lực thực hiện tư vấn tâm lý tại các trường đại học. Đối với các trung tâm Methadone đang triển khai tại các tỉnh đã có nhà tâm lý thì phải đào tạo thêm kiến thức hỗ trợ người nghiện ma túy tổng hợp. Khi đã có kinh nghiệm, họ sẽ hướng dẫn cho những người tiếp theo, bảo đảm vấn đề hỗ trợ về tư vấn tâm lý và xã hội được áp dụng thống nhất từ cấp cơ sở.