Phù hợp cả về lý và tình

- Thứ Sáu, 05/03/2021, 06:53 - Chia sẻ

Tại phiên họp diễn ra ngày 5.8.2020, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất năm 2021 không điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Đây được coi là lần "thương thảo" sớm có sự đồng thuận nhất giữa đại diện người lao động và đại diện doanh nghiệp.

Lý giải về quyết định này, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, "sức khỏe" doanh nghiệp như thế nào phụ thuộc nhiều vào việc khắc phục hậu quả dịch Covid-19 nhưng các số liệu đưa ra chỉ là dự báo và không rõ thời điểm khắc phục... Bởi vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị thống nhất chưa bàn đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu mà đợi đến đầu năm 2021 sẽ căn cứ tình hình để xem xét điều chỉnh.

Còn theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng - đại diện cho doanh nghiệp thì thời điểm 6 tháng đầu năm 2020 chưa phải là đỉnh điểm của tình trạng thất nghiệp do các doanh nghiệp vẫn "túc tắc" duy trì đơn hàng cũ. Tuy nhiên hiện nay, dịch Covid-19 tái bùng phát đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tác động lớn đến lao động việc làm của người lao động. Do vậy, ngay từ phiên họp đầu tiên của Hội đồng, VCCI đã kiến nghị không tính đến việc điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2021 để "bồi dưỡng sức khỏe doanh nghiệp", giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn...

Mới đây nhất, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 2021. Theo dự thảo báo cáo, do tác động của dịch Covid-19, Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định lựa chọn, thống nhất phương án khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

Lý do Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra phương án khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2021 là vì với dự kiến CPI tăng 4%, mức lương tối thiểu năm 2021 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51% gồm vượt theo CPI thực tế năm 2019 là 1,21% và mức bình quân các vùng lương tối thiểu năm 2020 cao hơn mức sống tối thiểu là 0,3%. Hiện nay, thực tế CPI cả năm 2020 tăng 3,23% nên lương tối thiểu năm 2020 sau khi cập nhật lại đã bảo đảm cao hơn 2,28% so với mức sống tối thiểu. Do vậy, dù giữ nguyên mức lương tối thiểu để áp dụng cho năm 2021 thì vẫn đáp ứng mức sống tối thiểu. Trường hợp CPI cả năm 2021 tăng cao hơn 2,28%, về nguyên tắc hội đồng sẽ tính toán phần lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu để xem xét đưa vào điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ năm 2022...

Trên thực tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, cả nước có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Lực lượng lao động cũng giảm 1,2 triệu người so với năm 2019; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,48%, cao hơn 0,31% so với năm 2019. Sang năm 2021, diễn biến của dịch bệnh vẫn khá phức tạp, chưa thể dự báo được thời điểm kết thúc và mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trong nước nên việc không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động...

Cần nhấn mạnh thêm rằng, trong hầu hết các phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, việc nhanh chóng tìm được "tiếng nói chung" về mức tăng lương tối thiểu vùng là rất khó. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc các bên thống nhất chưa tăng lương tối thiểu là phù hợp cả về lý và tình.

Khánh Ninh