Phòng phải là chính...

- Thứ Ba, 11/05/2021, 06:07 - Chia sẻ
Phát biểu tại Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã nêu vấn đề: hiện nay chúng ta đang tập trung vào chống thiên tai là chính mà xem nhẹ công tác phòng. Thông thường, khi có thiên tai chúng ta xúm lại để chống, sau đó xử lý, nhưng khi thiên tai qua đi, chúng ta lại quên phòng...

Ý kiến này của Bộ trưởng Lê Minh Hoan có thể không mới, nhưng làm thế nào để công tác phòng đạt hiệu quả không dễ thực hiện. Như năm 2020, thiên tai ở nước ta đã khiến 357 người chết và mất tích; 3.429 ngôi nhà bị sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 gia súc, hơn 4 triệu gia cầm bị chết, cuốn trôi... với tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỷ đồng... Thế nhưng, việc phòng vẫn còn nhiều khó khăn, mà ví dụ cụ thể là việc thu - chi  Quỹ Phòng chống thiên tai.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 15.10.2020, có 60/63 tỉnh, thành phố tiến hành thu với tổng số thu 3.500 tỷ đồng. Có 3 địa phương không lập quỹ là Lai Châu, Quảng Bình, Bạc Liêu. Tổng chi kể từ ngày lập quỹ là 1.808 tỷ đồng, còn lại 1.692 tỷ đồng. Đặc biệt, tại nhiều địa phương chỉ có thu, không chi đồng nào hoặc chi rất thấp...

Nếu căn cứ vào những gì đã xảy ra thì việc Quỹ Phòng, chống thiên tai còn dư tới 1.962 tỷ đồng là rất vô lý, gây lãng phí nguồn lực. Bởi vậy, điều cần được lý giải cặn kẽ là vì sao có nhu cầu, thậm chí là cấp thiết nhưng Quỹ phòng, chống thiên tai thu thì được mà không chi được? Tại sao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã từng đề xuất cần nghiêm túc đánh giá lại hiện trạng, hiệu quả và hệ quả của quỹ này, thậm chí bãi bỏ chính sách này trong Luật Phòng, chống rủi ro thiên tai?

Thực tế, không chỉ riêng năm 2020 mà cả những năm trước đây, thiên tai luôn có chiều hướng diễn ra dồn dập, khốc liệt với nhiều yếu tố dị thường, nhiều giá trị vượt mức lịch sử... Nguyên nhân có nhiều, nhưng "then chốt" vẫn là con người. Con người là tác nhân chính khiến "Mẹ thiên nhiên" nổi giận thông qua các hành động như phá rừng gây mất cân bằng sinh thái, sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp thiếu khoa học; khói thải công nghiệp và đô thị làm thủng tầng ôzôn, gây nên hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng dần lên...

Thiên tai cũng là bất khả kháng nhưng phải thẳng thắn rằng không phải là tai họa bất ngờ mà đã được cảnh báo trước. Và khi xảy ra thiên tai, sức người là rất nhỏ bé và hữu hạn, trong nhiều trường hợp là "lực bất tòng tâm". Vậy nên giải pháp duy nhất đó là phải "thuận thiên". Như quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan thì có địa phương vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã từng xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường. Điều này cần nghiêm túc nhìn lại, bởi quan điểm của Đảng, Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.

Cho nên, nếu không định hướng phát triển bền vững thì những hậu quả nặng nề sẽ xảy ra ngay trước mắt chứ không phải đợi lâu dài mới "nhận" được. Những lợi ích trước mắt sẽ không thể nào bù đắp được so với những tổn hại sau này phải hứng chịu. Và bởi vậy, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, cho dù việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn cả do khách quan và chủ quan thì yếu tố phòng vẫn là chính, là giải pháp bền vững hơn cả.

Khánh Ninh