Phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước

- Thứ Năm, 13/05/2021, 17:34 - Chia sẻ
Nhằm bảo đảm việc quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa ký quyết định ban hành Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước".
Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện
Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện. Ảnh: vneconomy.vn

Mục đích của giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm nắm bắt việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với các DNNN, kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp, giúp doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Qua đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu phát hiện những yếu kém trong hoạt động kinh doanh của các DNNN; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý. Hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra nhằm tăng cường thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các DNNN.

Thực tế cho thấy, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; đóng góp một tỷ trọng lớn cho ngân sách nhà nước. Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, khi ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định, cơ chế hoạt động của các DNNN đổi mới theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh được nâng lên. Tuy vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực; còn nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn, quản trị còn yếu kém. Vẫn còn tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hóa, thoái vốn; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới; lợi ích nhóm, tham nhũng, tư lợi cá nhân vẫn còn xảy ra trong cổ phần hóa, thoái vốn.

Thực tế cũng cho thấy, đã có sự buông lỏng quản lý đối với một số DNNN, dẫn đến những sai phạm, trong đó có việc lợi dụng cổ phần hóa để trục lợi. Một số cán bộ của chúng ta thời gian qua đã phải trả giá đắt cho các sai phạm khi phải chịu những bản án hình sự nghiêm khắc liên quan đến vấn đề này.

Xử lý kịp thời các sai phạm của các DNNN là cần thiết. Tuy vậy, công tác phòng ngừa các sai phạm mới là điều quan trọng. Muốn vậy, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra phải phát huy năng lực hiệu quả để ngăn chặn kịp thời những vi phạm xảy ra đối với DNNN. Để thực hiện điều này, cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, thanh tra cần năng cao năng lực hiệu quả hoạt động. Tránh tình trạng, hết đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra này “vào rồi lại ra”… nhưng chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc mới chỉ ra được các sai phạm của doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra, Đề án lần này nêu rõ, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm công khai kịp thời, đầy đủ thông tin về hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN theo quy định của pháp luật. Trong đó, phải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình về giám sát, kiểm tra, thanh tra tài chính (trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước), bao gồm: Báo cáo tự giám sát của DNNN; kết quả giám sát đầu tư và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các dự án đầu tư của DNNN; kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra tài chính đối với DNNN; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm giải trình về kết luận, kiến nghị, quyết định, hành vi của mình khi có yêu cầu của DNNN và các chủ thể có liên quan bị tác động bởi kết luận, kiến nghị, quyết định, hành vi đó.

Đặc biệt, sự “cởi mở” thông tin qua việc quy định tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra DNNN với các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí về những nội dung liên quan đến hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng tại DNNN. Chỉ khi các cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, thanh tra thật sự phát huy hiệu quả hoạt động, thì các DNNN sẽ không bị thất thoát hàng nghìn tỷ đồng chỉ vì buông lỏng quản lý.

Hà An