Sức khỏe

Phòng khám “Không muốn đi làm”: Khi mệt mỏi ở công sở cũng cần được chữa lành

Hồng Nhung 23/07/2025 07:25

Trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng lớn và sức khỏe tinh thần trở thành mối quan tâm chung, một bệnh viện tại Trung Quốc đã gây chú ý với sáng kiến độc đáo: mở Phòng khám “Không muốn đi làm”.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-21 170855
Các bác sĩ cho biết họ đặt tên phòng khám là "Không muốn đi làm" để bệnh nhân tới đây không cảm thấy bị kỳ thị bởi những từ như "trầm cảm" hay "lo âu". Ảnh: Shutterstock

Bạn mệt mỏi, chán nản mỗi sáng thứ Hai? Bạn thấy công việc vô nghĩa, kiệt sức dù chưa đến giữa tuần? Ở Trung Quốc, cảm giác đó không còn bị xem là “yếu đuối” hay “lười biếng” nữa.

Một bệnh viện tại tỉnh Hà Bắc vừa chính thức mở cửa Phòng khám “Không muốn đi làm” – nơi những người trưởng thành có thể tìm kiếm sự giúp đỡ về tâm lý mà không lo bị phán xét. Ý tưởng tưởng chừng như đùa ấy đang trở thành hiện thực, chạm đúng tâm trạng của hàng triệu người lao động, và nhanh chóng gây bão trên mạng xã hội Trung Quốc.

Khi cảm giác “không muốn đi làm” được thừa nhận như một vấn đề sức khỏe

Hai tháng trước, Bệnh viện Y học Cổ truyền và Tây y kết hợp Tần Hoàng Đảo (tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc) khai trương phòng khám ngoại trú mang tên “Không muốn đi làm”. Dịch vụ này là sự mở rộng từ một sáng kiến trước đó, phòng khám “Không muốn đi học”, vốn đã hỗ trợ nhiều trẻ em đối phó với áp lực học hành và các vấn đề tâm lý trong môi trường giáo dục khắc nghiệt.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-21 170905
Các biển báo tại phòng khám nêu rõ các dịch vụ tư vấn tâm lý và kiểm tra sức khỏe tổng quát mà phòng khám cung cấp cho bệnh nhân. Ảnh: Bengbu News Network

Ý tưởng thành lập phòng khám mới bắt nguồn từ chính các bậc phụ huynh từng đưa con đến khám. Nhiều người trong số họ đã bày tỏ mong muốn có một dịch vụ tương tự cho người lớn, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng có nhiều người trưởng thành rơi vào tình trạng mệt mỏi mãn tính, mất phương hướng trong công việc và cảm thấy cuộc sống công sở trở nên vô nghĩa.

Giảm kỳ thị – Tăng tiếp cận

Bà Nhạc Lệ Mẫn, Giám đốc Khoa Giấc ngủ và Tâm lý học, đồng thời là người phụ trách phòng khám cho biết, việc lựa chọn một cái tên gần gũi, không mang tính y học nặng nề là chủ ý của đội ngũ chuyên môn.

“Nếu chúng tôi đặt tên là Phòng khám trầm cảm hay Phòng khám lo âu, nhiều người sẽ ngần ngại vì sợ bị dán nhãn. Nhưng với cái tên “Không muốn đi làm”, bệnh nhân có thể bước vào mà không mang cảm giác bị đánh giá”, bà Nhạc chia sẻ.

Bà cho rằng những biểu hiện như mệt mỏi kéo dài, dễ xúc động, chán nản hay mất động lực thường xuất phát từ nhiều yếu tố phức tạp – từ môi trường làm việc, khủng hoảng cá nhân cho đến áp lực tài chính hay thiếu sự công nhận trong nghề nghiệp. Do đó, mục tiêu của phòng khám không chỉ là điều trị triệu chứng mà còn giúp người bệnh hiểu rõ nguyên nhân sâu xa, từ đó xây dựng chiến lược phục hồi hiệu quả và lâu dài.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-21 170913
Phòng khám "Không muốn đi làm" hướng đến mục tiêu giải quyết nhiều vấn đề mà những người trưởng thành đang gặp phải ở công sở. Ảnh: Shutterstock

Theo đó, quy trình khám và chẩn đoán tại đây gồm hai phần chính: đánh giá tâm lý thông qua phỏng vấn chuyên sâu và kiểm tra sức khỏe tổng quát nhằm loại trừ các nguyên nhân thể chất. Sau khi có kết quả, bệnh viện sẽ xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân hóa cho từng bệnh nhân, kết hợp giữa liệu pháp tâm lý, điều chỉnh lối sống và trong một số trường hợp là can thiệp bằng thuốc.

Mặc dù nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ dư luận, số lượng bệnh nhân thực tế hiện vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, bà Nhạc tin rằng việc cởi mở hơn trong cách tiếp cận sức khỏe tâm thần là bước tiến quan trọng, đặc biệt trong xã hội châu Á vốn còn nhiều định kiến đối với các vấn đề tâm lý.

Cách tiếp cận mới mẻ

Sự ra đời của Phòng khám “Không muốn đi làm” đã chạm đến một vấn đề âm ỉ trong xã hội hiện đại: ngày càng nhiều người rơi vào trạng thái mỏi mệt, hoang mang và thiếu mục tiêu trong công việc, nhưng lại không biết tìm sự giúp đỡ từ đâu.

Nó cũng cho thấy một cách tiếp cận mới mẻ và thực tế trong chăm sóc sức khỏe tinh thần, khuyến khích cộng đồng nhìn nhận đúng đắn và nghiêm túc hơn về các vấn đề tâm lý nơi người trưởng thành – đặc biệt là trong môi trường lao động ngày càng khắc nghiệt, từ đó có thể trở thành kênh hỗ trợ hiệu quả, giúp người lao động cân bằng lại cảm xúc, tái tạo năng lượng và tìm lại giá trị thực sự trong công việc.

Theo SCMP
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Phòng khám “Không muốn đi làm”: Khi mệt mỏi ở công sở cũng cần được chữa lành
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO