Gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm
Khi học sinh được nghỉ hè cũng là thời điểm nắng nóng, trẻ thường thích ra các ao, hồ, sông, suối, bể bơi để bơi lội, nghịch nước, giải nhiệt mùa hè. Đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tai nạn đuối nước.
Mới đây, nguồn tin từ UBND xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, lúc khoảng 17h ngày 22.6, tại khu vực bãi biển thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ xảy ra vụ đuối nước, gồm ba nạn nhân gặp nạn khi tắm biển. Ba nạn nhân bị đuối nước gồm T.T.Đ. và T.V.H., 17 tuổi, trú tại thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ và cháu T.N.P.T., 13 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, về quê Hoằng Hóa đi tắm biển.
Hay trước đó, ngày 13.6, trên sông Bưởi thuộc địa phận xóm Be Trên, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, người dân phát hiện cháu B.T.T.L (SN 2015, trú tại xóm Vó, Quyết Thắng, Lạc Sơn) và B.B.P (SN 2015, trú tại xóm Be Trên, xã Chí Đạo, Lạc Sơn) cùng đi tắm sông và bị đuối nước. Ngay sau khi phát hiện, người dân đã đưa các cháu đến cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Lạc Sơn, tuy nhiên đã không qua khỏi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm. tình trạng đuối nước trẻ em có xu hướng gia tăng, đã xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em trên toàn quốc, trong đó tập trung xảy ra nhiều vào dịp chuẩn bị kỳ nghỉ hè và những tháng hè trẻ nghỉ học.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra nhiều vụ đuối nước ở Việt Nam là do môi trường tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích nhất là tai nạn đuối nước trẻ em. Việt Nam có đường bờ biển dài, địa hình phức tạp, hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc; một số khu vực có hệ thống sông ngòi và kênh, rạch chằng chịt, nhiều ao, hồ, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.
Đuối nước cũng thường gặp vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng, đồng thời, thời điểm này trẻ em cũng được nghỉ hè, nhiều gia đình cho trẻ đi bơi tại các bể bơi, đi du lịch biển; trẻ em ở các vùng quê thường có thói quen tắm sông, suối, ao hồ cùng bạn. Đuối nước có thể gặp trong nhiều hoàn cảnh như: trẻ không biết bơi vô tình ngã xuống ao hồ, sông suối, trẻ nhỏ khi đi bơi vô tình sang bể bơi người lớn, thậm chí có thể gặp ở những trẻ bơi rất giỏi nhưng bị chuột rút khi bơi, bạn bè nô đùa trong nước vô tình gây thương tích.
Bên cạnh đó, có những trường hợp cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ chưa nhận thức được tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác phòng, chống đuối nước, chưa quan tâm tạo môi trường an toàn cho trẻ em; nhiều cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em, còn chủ quan, thiếu trách nhiệm, chưa thường xuyên nhắc nhở, giám sát trẻ.
Ngoài ra, nhiều trẻ em thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối, chưa biết bơi an toàn. Chính do thiếu kỹ năng nên các em không nhận biết được môi trường nước nguy hiểm vẫn xuống bơi, không biết cách cứu đuối gián tiếp mà nhảy xuống cứu đuối trực tiếp khi thấy bạn bị đuối nước và dẫn đến tử vong nhiều em cùng một lúc….
Cần giải pháp căn cơ
Thời gian qua, dù công tác tuyên truyền về phòng ngừa đuối nước đã được cơ quan báo chí, các ngành chức năng đẩy mạnh. Nhiều vụ việc cụ thể, giải pháp phòng ngừa, kỹ năng tránh đuối nước đã được nêu ra để người dân nắm bắt và cảnh giác nhưng tình trạng đuối nước vẫn xảy ra. Trước thực tế đó, cần đặt ra những giải pháp cấp bách để ngăn ngừa tình trạng đuối nước.
Ngoài giải pháp tăng cường công tác truyền thông để phòng tránh đuối nước cần quan tâm hơn đến việc phổ cập kỹ năng bơi lội, kỹ năng thoát hiểm khi gặp vùng nước xoáy hoặc sóng dữ cho trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng sông nước. Cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các ao, hồ, sông, suối; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác…
Hướng dẫn kỹ năng biện pháp phòng tránh và cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước; phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương mở các lớp dạy bơi cho trẻ em, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để không bị đuối nước.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thị trấn (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) Hoàng Minh Tuân cho biết, phòng, chống tai nạn đuối nước là một trong các kỹ năng luôn được nhà trường chú trọng. Nhà trường luôn lồng ghép các nội dung phòng, chống đuối nước vào các hoạt động giáo dục của nhà trường, đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa để giúp học sinh nhận thức được những nguy hiểm tiềm ẩn cũng như nắm được những kỹ năng cơ bản liên quan đến phòng, chống tai nạn đuối nước.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Ngày Olympic trẻ em, phát động toàn dân tập luyện môn bơi để phòng, chống đuối nước năm 2024. Chương trình thu hút gần 8.000 thiếu nhi cùng các cán bộ, hướng dẫn viên, vận động viên từ hơn 30 tỉnh, thành phố tham gia. Đây là cơ hội để đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và học sinh, trẻ em những kiến thức, kỹ năng để chủ động phòng, tránh tai nạn trong đời sống hàng ngày và khi tiếp xúc với môi trường nước.