Phòng, chống dịch bằng công nghệ

- Thứ Năm, 03/06/2021, 07:04 - Chia sẻ
Cùng với xét nghiệm chủ động và tiêm vaccine, áp dụng công nghệ tiên tiến trong phòng, chống dịch là 1 trong 3 mũi tấn công được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra để nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp này không chỉ giúp phát hiện sớm, truy vết kịp thời, nhanh chóng ca nhiễm, chủ động trong khoanh vùng cách ly mà còn giúp cho người dân có thể chung sống an toàn trước dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có đủ bộ giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, từ nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, cách ly tới tiêm vaccine. Có thể kể tới ứng dụng Vietnam Health Declarations (VHD) và Tokhaiyte.vn cho phép khai báo y tế (bắt buộc), khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày đối với người dân trong khu vực cách ly (bắt buộc), ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng. Về truy vết, có phần mềm khai báo y tế, phần mềm khai báo khi đến một cơ quan bằng QR code, phần mềm Bluezone phát hiện tiếp xúc gần; với cách ly, có phần mềm giám sát bằng camera tại khu cách ly tập trung, có vòng đeo để giám sát cách ly tại nhà. Hay, để đánh giá an toàn, có bản đồ Covid Maps và chuẩn bị có thêm hộ chiếu vaccine dùng cả trong và ngoài nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nếu ứng dụng các giải pháp công nghệ, nước ta có thể đạt được hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 sớm hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, triệt để hơn, bình thường hơn… Đó là sớm phát hiện người nhiễm bệnh thông qua xét nghiệm chủ động, xét nghiệm sàng lọc; truy vết nhanh hơn, chỉ vài giờ thay vì vài tuần; phát hiện chính xác những người tiếp xúc gần; phát hiện triệt để mạng lưới người nhiễm bệnh; đưa cuộc sống trở lại bình thường với việc thực hiện "5K + vaccine + công nghệ". 

Không ít địa phương đã thấy được tầm quan trọng của công nghệ trong phòng, chống dịch, từ đó chủ động triển khai có hiệu quả. Đơn cử như với bản đồ Covid Maps, theo thông tin từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, có 9 địa phương đã triển khai, gồm Đà Nẵng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Gia Lai, Phú Yên và Lạng Sơn. Nhờ Covid Maps, chính quyền địa phương có thêm giải pháp công nghệ số để phục vụ quản lý, điều hành trong phòng, chống dịch; cộng đồng cũng dễ dàng theo dõi thông tin dịch tễ các ca bệnh, từ đó hạn chế di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch. 

Tuy nhiên, phổ biến nhất trong bộ giải pháp công nghệ, vẫn là ứng dụng Bluezone. Theo thống kê mới nhất của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền Thông, cả nước hiện đã có 33,48 triệu lượt tải và sử dụng ứng dụng Bluezone. Tổng lượng người cài đặt Bluezone đã tăng hơn 2,6 triệu so với thời điểm ngày 28.4, khi làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Trong số hơn 33 triệu lượt người sử dụng Bluezone, có hơn 20,78 triệu người đã nhập số điện thoại của mình vào phần thông tin trên ứng dụng. Lượng người cung cấp số điện thoại cho các cơ quan chức năng đã tăng gần 1,1 triệu người so với thời điểm ngày 28.4.

Hai địa phương dẫn đầu cả nước về số người tải ứng dụng Bluezone là Hà Nội (3,1 triệu người) và TP. Hồ Chí Minh (2,83 triệu người). Nếu xét trên tỷ lệ dân số, Đà Nẵng (43,7%), Hải Dương (40%), Hà Nội (39%), Bắc Ninh (37,8%), Quảng Ninh (37,2%) là những địa phương có số người tải Bluezone nhiều nhất. Vậy nhưng, có một thực tế là số người tải và số người thực sự sử dụng ứng dụng hiện vẫn đang có mức chênh lệch đáng kể. Tại Hà Nội, nơi có nhiều người tải về Bluezone nhất, lượng tài khoản Bluezone thực sự hoạt động chỉ là 1,23 triệu, chiếm 40% tổng số tài khoản. Ở TP. Hồ Chí Minh, số người dùng Bluezone thực sự (bật Bluetooth để Bluezone hoạt động) là khoảng 1,1 triệu người, chiếm 38% tổng số tài khoản. Điều tương tự cũng diễn ra tại Đà Nẵng (40%), Hải Dương (38%), Quảng Ninh (38%), Bắc Ninh (39%), Hải Phòng (38%), Thái Nguyên (38%).

Rõ ràng, vũ khí công nghệ đã có nhưng vẫn cần sự chủ động hơn từ phía người dân, tổ chức để bảo vệ chính mình và cộng đồng. Bởi thế, cùng với tuyên truyền, vận động, không ít ý kiến đồng tình với việc bắt buộc cài đặt và sử dụng một số ứng dụng công nghệ chủ chốt, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả phòng, chống dịch. 

Hơn hết, để kết hợp hài hòa giữa phòng ngừa và tấn công, những giải pháp công nghệ cũng cần thay đổi cho phù hợp. Đơn cử như dữ liệu và xử lý dữ liệu phải tập trung và liên thông giữa các ứng dụng, vì càng nhiều dữ liệu, thì truy vết càng nhanh, càng chính xác, càng phát hiện sớm các nguy cơ; các phần mềm cần viết dưới dạng nền tảng để 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã; hàng chục nghìn xã, tổ dân phố có thể dùng chung, giúp dễ dàng hơn trong phát hiện, truy vết.

Đỗ Quyên