Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì hội nghị.
Phối hợp hoạt động hiệu quả, thiết thực
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Ủy ban Xã hội giai đoạn 2023 - 2026 là chương trình phối hợp đầu tiên được ký kết bằng văn bản giữa hai bên, nhưng là sự kế thừa, phát triển thành quả hoạt động phối hợp trong thời gian dài của hai cơ quan trên cơ sở sự tương đồng và tính liên quan về nhiệm vụ. Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII tiếp tục xác định công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động; là trách nhiệm của toàn hệ thống, là nhiệm vụ thường xuyên để chăm lo, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động.
Hai năm qua là giai đoạn bận rộn của Tổng Liên đoàn và Ủy ban Xã hội khi phải tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm. Đối với hoạt động phối hợp, đó là tập trung xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội như: Luật Bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Việc làm, đặc biệt là Luật Công đoàn do Tổng Liên đoàn là cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Xã hội là cơ quan chủ trì thẩm tra. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự nỗ lực của các bộ phận tham mưu, công tác phối hợp giữa hai cơ quan đã được triển khai nhịp nhàng, thường xuyên và hiệu quả.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn khẳng định: qua 2 năm thực hiện, Chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Ủy ban Xã hội là một trong những chương trình phối hợp hoạt động thiết thực, hiệu quả, được đánh giá, đo lường bằng những kết quả cụ thể.
Tổng Liên đoàn ghi nhận, trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ hết sức chặt chẽ và chí tình của Ủy ban Xã hội. Đặc biệt trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện Luật Công đoàn (sửa đổi), một đạo luật được đánh giá là khó, mang tính chính trị, pháp lý cao. Quá trình phối hợp, những thông tin chia sẻ về tổ chức, hoạt động công đoàn từ phía Tổng Liên đoàn; những phân tích, gợi mở về xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của Công đoàn từ phía Ủy ban Xã hội… đều được các bên lắng nghe, thấu hiểu. Từ đó, các bên đã có sự thống nhất trong tư duy, định hướng, chia sẻ và hợp tác để đạt sự đồng thuận cao, kể cả hướng giải quyết cho những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Đặc biệt, hiện Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý mới cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, có thể khẳng định, Chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn và Ủy ban Xã hội trong 2 năm qua đã đạt những kết quả tốt đẹp, để lại những dấu ấn sâu sắc.
Kết hợp hoàn thiện dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) bảo đảm yêu cầu
Báo cáo sơ kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban Xã hội, năm 2023 - 2024, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định: trong 2 năm 2023 - 2024, hai bên đã dành sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Các hoạt động phối hợp bảo đảm thực chất, hiệu quả trên tinh thần công tâm, khoa học và khách quan hướng tới xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, công đoàn, an sinh xã hội.
Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Tổng Liên đoàn và Ủy ban Xã hội đã góp phần quan trọng hoàn thiện dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) bảo đảm yêu cầu chất lượng, quy trình, tiến độ theo quy định. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tính chất, yêu cầu của một đạo luật mang tính chính trị, pháp lý cao, nhưng với nỗ lực, quyết tâm và phối hợp chặt chẽ, dự thảo luật đã được các ĐBQH biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV với tỷ lệ tán thành 92,48%.
Cùng với đó, trong 2 năm 2023, 2024, Ủy ban Xã hội là cơ quan chủ trì thẩm tra nhiều dự án Luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Tổng Liên đoàn đã tích cực phối hợp với Ủy ban Xã hội tham gia xây dựng các dự án luật liên quan đến người lao động, tổ chức công đoàn thông qua việc nghiên cứu, tham gia ý kiến bằng văn bản; tham gia các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến, hội nghị thẩm tra, các phiên họp kỹ thuật do Ủy ban Xã hội tổ chức…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Tổng Liên đoàn và Ủy ban Xã hội trong thời gian qua rất hiệu quả, thực chất, công khai, minh bạch. Quá trình triển khai các hoạt động phối hợp, hai bên luôn luôn tham vấn, lắng nghe ý kiến của nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý mới cho tổ chức công đoàn. Đồng thời, mong muốn hai bên tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp trong thời gian tới.
Cùng tại hội nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn" cho 11 cá nhân thuộc Ủy ban Xã hội và Văn phòng Quốc hội.