Liên minh mới giữa Mỹ, Anh và Australia

Phối hợp chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 06:42 - Chia sẻ
Sau cuộc họp trực tuyến diễn ra sáng 16.9, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ có bài phát biểu chung, trực tiếp thông báo về việc thiết lập quan hệ đối tác an ninh 3 bên có tên là liên minh AUKUS. Việc 3 quốc gia cùng liên kết trong một cơ chế an ninh mới thể hiện sự đồng lòng trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bước đi lịch sử

Đó là đánh giá của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi nói về AUKUS. Theo ông chủ Nhà Trắng, cả Mỹ, Anh và Australia đều nhận thấy thấy nhu cầu cấp bách trong việc bảo đảm an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong dài hạn, bởi trong tương lai của 3 nước và cả thế giới phụ thuộc vào sự tự do, rộng mở và phát triển của khu vực này trong những thập kỷ tới. Quan điểm của ông nhận được sự đồng tình nhiệt liệt của hai nhà lãnh đạo Anh và Australia.

Tuyên bố chung cho biết, liên minh AUKUS sẽ đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin và công nghệ với nhau, thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ, công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng. Không chỉ tạo nền tảng cho các dự án hợp tác an ninh, quốc phòng sâu rộng giữa 3 nước trong thời gian tới, trong đó bao gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm như chế tạo tàu ngầm hạt nhân mà còn là thể hiện mức độ cam kết mới, tin cậy và gắn bó chặt chẽ hơn giữa đất nước cờ hoa, chuột túi và xứ sở sương mù.

Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, dự án chung đầu tiên của AUKUS là chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tại Australia, đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng lại có năng lực hạt nhân trên biển.

Nguồn: ITN

Nhiều bên không vui  

Theo Al Jazeera, tuy ba nhà lãnh đạo không đề cập đến Trung Quốc một cách rõ ràng trong các phát biểu của mình, nhưng ngay sau tuyên bố chung, cả Wall Street Journal và Reuters đều đưa tin người phát ngôn Liu Pengyu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Thủ đô Washington đã lên tiếng cho rằng, cả ba quốc gia trên nên “rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến về ý thức hệ”. Ông tố cáo sự thành lập cái gọi là “khối loại trừ” nhắm vào lợi ích của các quốc gia khác.

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho hay, quan hệ đối tác an ninh mới được công bố sẽ “mang lại một khu vực an toàn hơn”, từ đó mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia. Ông cũng nhấn mạnh, Australia không tìm cách mua vũ khí hạt nhân hoặc thiết lập khả năng hạt nhân dân sự và vẫn sẽ tiếp tục đáp ứng tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đất nước chuột túi dự định đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Adelaide theo thỏa thuận hợp tác với Mỹ và Anh.

Theo một số nhà phân tích chính trị, AUKUS ra đời là nỗ lực lớn của Australia, Mỹ và Anh nhằm duy trì kết cấu của sự can dự và răn đe ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nó được đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa Bắc Kinh - Washington và các đồng minh của họ ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trước những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài đất nước gấu trúc, một đồng minh phương Tây của Mỹ, Anh và Australia là Pháp cũng tỏ ra không vui. Bởi đất nước chú gà Gaulois thất vọng khi bị loại khỏi một liên minh an ninh mới giữa 3 nước trên, mô tả đây là động thái đáng tiếc sẽ thúc đẩy châu Âu tự chủ hơn trong kế hoạch chiến lược của mình. Tuyên bố chung do Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Florence Parly nêu rõ, “sự lựa chọn của Mỹ đã loại trừ một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi mối quan hệ đối tác với Australia, vào thời điểm mà chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dù xét về giá trị của chúng ta hay về tôn trọng chủ nghĩa đa phương dựa trên pháp quyền, đều cho thấy sự thiếu chặt chẽ mà Pháp chỉ có thể ghi nhận và lấy làm tiếc”.

Bên cạnh đó, liên minh AUKUS còn đồng nghĩa với việc Australia sẽ ngừng giao dịch tàu ngầm với Pháp. Trước đó, Australia đã lựa chọn Tập đoàn đóng tàu Hải quân của Pháp để xây dựng hạm đội tàu ngầm mới trị giá 40 tỷ USD nhằm thay thế các tàu ngầm Collins có tuổi thọ hơn hai thập kỷ của mình, nhưng thỏa thuận đó đã bị trì hoãn do Canberra yêu cầu hầu hết các thiết bị sản xuất và linh kiện phải có nguồn gốc trong nước.

Để giảm nhẹ nỗi buồn của Pháp, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Pháp vẫn là đối tác chủ chốt của Mỹ. “Pháp có sự hiện diện đáng kể ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và là một đối tác và đồng minh quan trọng trong việc củng cố an ninh và thịnh vượng của khu vực. Mỹ mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Pháp và các quốc gia quan trọng khác khi chúng tôi tiến lên phía trước”, ông Biden nhấn mạnh.

Ngọc Minh