Phối hợp chặt chẽ, xây dựng lòng tin

- Thứ Sáu, 20/08/2021, 09:41 - Chia sẻ
Từng là điểm nóng về hoạt động truyền đạo trái pháp luật, một bộ phận người dân bị phần tử phản động dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hoạt động đi ngược chuẩn mực văn hóa và pháp luật để chống phá Ðảng, Nhà nước, nhưng đến nay hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đã dần đi vào nền nếp. Theo Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng, kết quả đó là nhờ sự quan tâm của tỉnh, của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị huyện đối với công tác tín ngưỡng, tôn giáo; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; sự tin tưởng, tích cực hưởng ứng của các chức sắc, chức việc và người có uy tín.

- Là huyện vùng cao có đường biên giới giáp với Trung Quốc và Lào, hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số, xin ông cho biết tình hình đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Mường Nhé hiện nay như thế nào?

- Trên địa bàn huyện Mường Nhé hiện có 9/11 xã, với 84 bản có người theo tôn giáo; hoạt động ở 91 điểm nhóm, với hơn 4.000 hộ và 22.000 tín đồ. Riêng đạo Tin lành có 89 điểm nhóm, với hơn 20.000 tín đồ gồm 7 hệ phái khác nhau. Đã có 74/91 điểm, nhóm tôn giáo được cấp giấy phép sinh hoạt tập trung theo quy định, góp phần bảo đảm đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Các điểm, nhóm đạo sau khi đăng ký hoạt động đều hướng dẫn người dân có đạo sống “Tốt đời, đẹp đạo, kính chúa, yêu nước, bảo vệ hòa bình, thực hiện bác ái, tự do bình đẳng và lao động theo quy định của pháp luật”. Kiên quyết không nghe kẻ xấu truyền bá tư tưởng, giáo lý sai trái và chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

- Mường Nhé từng là một “điểm nóng” về hoạt động truyền đạo trái pháp luật, theo ông, đạt được những kết quả như trên là nhờ đâu?

- Thực tế, trên địa bàn huyện Mường Nhé hiện vẫn còn một số loại tà đạo như Giê sùa, Bà cô Dợ và Đức chúa trời toàn năng. Các đối tượng tại nước ngoài xuyên tạc Kinh thánh, tuyên truyền đạo trái phép qua internet để lôi kéo bà con tham gia. Huyện đang tiếp tục triển khai lực lượng tiến hành các hoạt động tuyên truyền xóa bỏ các loại tà đạo này.

Tuy vậy, để hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn đi vào nền nếp, trước hết, phải khẳng định rằng thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé luôn đặc biệt quan tâm, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động tôn giáo, đấu tranh xóa bỏ các loại tà đạo; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại các xã, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ sinh sống.

Thứ hai, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo. Mường Nhé có đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo nhiệt huyết, có trình độ, tích cực bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng tín đồ, đồng thời tạo mối quan hệ thân thiết giữa các tổ chức tôn giáo với cấp ủy, chính quyền địa phương.

	Công an huyện Mường Nhé tuyên truyền để người dân không tin, nghe theo kẻ xấu, bảo đảm an ninh trật tự khu dân cư - Nguồn: Báo Điện Biên Phủ
Công an huyện Mường Nhé tuyên truyền để người dân không tin, nghe theo kẻ xấu, bảo đảm an ninh trật tự khu dân cư
 Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Thứ ba, huyện thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với đồng bào theo tôn giáo; gặp gỡ trưởng các nhóm đạo để hướng dẫn, tạo điều kiện cho họ hoàn thành các thủ tục để đăng ký cấp giấy phép sinh hoạt tập trung. Qua công tác tuyên truyền, gặp gỡ, đã từng bước tạo sự gần gũi và thuyết phục được các chức sắc, trưởng nhóm tin tưởng, gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tiêu biểu có ông Thào A Gia, Trưởng bản, Trưởng nhóm Liên Hữu Cơ Đốc tại bản Huổi Khon 2 đã hiến đất của gia đình để xây điểm trường Mầm non và xây nhà văn hóa cho bản.

- Để tiếp tục làm tốt công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại các xã, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ sinh sống, từ thực tiễn tại Mường Nhé, ông có kiến nghị gì?

- Để làm tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo 160 tỉnh Điện Biên có văn bản quy định về các loại tà đạo để làm cơ sở, căn cứ đấu tranh với số đối tượng cầm đầu. Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo tỉnh Điện Biên tiếp tục tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu kiến thức về pháp luật, tín ngưỡng, tôn giáo để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo.

Chúng tôi cũng mong Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng tại tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Mường Nhé nói riêng, đặc biệt là các xã, bản xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo… góp phần ổn định đời sống nhân dân, tạo mối quan hệ mật thiết giữa quần chúng nhân dân với cấp ủy chính quyền, từ đó trở thành điều kiện để công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Hương Linh thực hiện