- Khắc phục nhanh những tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội
- Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội): Chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon giúp nông nghiệp vượt thách thức
Cơ hội lớn cho quản lý, bảo vệ rừng
Trung du miền núi phía Bắc vẫn là một trong những vùng còn rất khó khăn, khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người trong nội vùng với bình quân cả nước tiếp tục gia tăng, quy mô kinh tế nhỏ, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, các địa phương trong vùng đều chưa cân đối được ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; nhất là các chính sách nhằm quản lý bảo vệ, phát triển rừng, kinh doanh rừng để tạo cho người dân có thu nhập ổn định từ rừng, góp phần tạo sinh kế và động lực cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số có động lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, do đặc thù là vùng khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, việc tổ chức thực hiện các đề án, kế hoạch, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể là: việc các địa phương tự bố trí, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các dự án phát triển kinh tế nông lâm nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững... hầu như không tự bố trí được nguồn vốn. Mặt khác, việc huy động các nguồn xã hội thì càng khó thực hiện.
Một việc nữa là, do biến đổi của khí hậu nên thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, nắng nóng cực đoan, khô hanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng và môi trường sinh thái, thậm chí có cả những hy sinh mất mát về con người của lực lượng kiểm lâm và người tham gia chữa cháy rừng như sự hy sinh của 2 chiến sĩ kiểm lâm của Hà Giang.
Tôi rất đồng tình và đánh giá cao 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai trong thời gian tới. Trong đó có cơ chế, chính sách để thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ cacbon từ năm 2025.
Để thực sự tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế vùng miền núi trung du phía Bắc, tôi nhận thấy, việc phát triển các dự án tín chỉ carbon rừng là hướng đi mới phù hợp với điều kiện của vùng. Ngoài các lợi ích như bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đầu nguồn, tăng nguồn sinh thuỷ... thì giải pháp này còn có tách động mạnh mẽ trong việc tạo sinh kế bền vững, lâu dài cho người dân.
Chính phủ cũng quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước, đồng thời đã ký kết thực hiện thí điểm tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2018 - 2024. Năm 2023 là năm đánh dấu một mốc rất quan trọng, lần đầu tiên ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng) góp phần hiệu quả vào công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững.
Phát triển các dự án tín chỉ carbon rừng là cơ hội lớn cho các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng tại Việt Nam. Hà Giang với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm trên 72% diện tích đất tự nhiên, trong đó diện tích có rừng là trên 467 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 là 58,9%, có trên 19 dân tộc khác nhau cùng sinh sống và sống phụ thuộc vào rừng khoảng 70%. Đây chính là nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao đời sống, có thu nhập ổn định bền vững cho người làm nghề rừng nếu từ các chương trình dịch vụ như: dịch vụ môi trường rừng; thị trường tín chỉ carbon…
Hướng dẫn chi tiết để địa phương sẵn sàng khi thị trường carbon hoạt động
Hiện nay Chính phủ mới có quy định chung về thực hiện chi trả dịch vụ hấp thụ carbon và lưu trữ carbon của rừng, nhưng chưa có khung pháp lý quy định chi tiết về thực hiện thị trường carbon rừng như: hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về chuyển nhượng, chia sẻ lợi ích, xác định giá tín chỉ carbon rừng, cách tính toán lượng hấp thụ cacbon rừng… nên chưa có cơ sở triển khai các bước để tiếp cận với thị trường cacbon rừng. Mặt khác, với phong tục tập quán canh tác lạc hậu và nhận thức còn hạn chế của người dân thì việc tiếp cận với thị trường carbon vẫn là vấn đề cần có những giải pháp hỗ trợ tích cực.
Do đó, tôi đề nghị: Thứ nhất, Chính phủ sớm có hướng dẫn chi tiết về thị trường carbon rừng để các địa phương sớm tiếp cận và chuẩn bị các bước cần thiết cũng như sẵn sàng thực hiện được ngay khi thị trường carbon đi vào hoạt động.
Thứ hai, tiếp tục có các giải pháp quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng; hằng năm quan tâm cân đối, bố trí mục riêng kinh phí cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Thứ ba, rà soát, sửa đổi bổ sung một số quy định về thực hiện các dự án phát triển kinh tế nông lâm nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng bổ sung các nhiệm vụ chi như: hỗ trợ cho trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; hỗ trợ nâng cao chất lượng rừng, điều tra rừng, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, giao rừng...