Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự khai mạc Hội thảo Giáo dục 2019

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 08:47 - Chia sẻ
Sáng 20.9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã khai mạc Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế’’.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà.

 

Hội thảo có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội, đại diện đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, doanh nhân…

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: “Trong hơn 30 năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập tích cực theo xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Trong thành quả chung ấy có sự đóng góp quan trọng của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để tạo điều kiện cho hoạt động GDNN phát triển, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Luật Giáo dục năm 2005 đã có một mục riêng quy định về GDNN. Trên cơ sở đó, Luật Dạy nghề đã được Quốc hội Khóa XI thông qua, tạo nền tảng pháp lý và thuận lợi cho hoạt động đào tạo nghề phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, đã hình thành mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề nghiệp rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và ngành nghề đào tạo. Quy mô và chất lượng đào tạo nghề không ngừng tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, qua đó, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều đổi mới quan trọng và đột phá như hợp nhất các trình độ đào tạo; đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, về chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở GDNN cũng như bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, tăng cường sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - GDNN Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.


Hội thảo thu hút các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách và các nhà giáo hoạt động trong lĩnh vực GDNN...

Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) có chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế’’, là diễn đàn thu hút các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách và các nhà giáo hoạt động trong lĩnh vực GDNN cùng trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và đề xuất các ý tưởng phát triển GDNN.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng: Hiện nay, có 3 mũi đột phá phát triển đất nước, trong đó nguồn nhân lực là yêu cầu lớn. Trong nguồn nhân lực này, khi nước ta đang phát triển thì lao động có tay nghề là cực kỳ quan trọng. Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ 2015. Năm 2017, văn bản chính thức về quản lý GDNN đã được khẳng định và Chính phủ giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý lĩnh vực này. Từ đó đến nay, chúng ta đã sắp xếp lại hệ thống văn bản, bộ máy... Tuy nhiên, để làm tốt hơn thời gian tới, rõ ràng, GDNN cần được định vị đúng và cần có chiến lược quốc gia về phát triển GDNN... Hội thảo là dịp để nhìn rõ thực trạng GDNN, từ đó, góp phần hoàn thiện chính sách, hoàn thiện công tác quản lý và nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực. Hy vọng qua hội thảo sẽ tập hợp các chuyên gia và những người trong cùng lĩnh vực, tạo suy nghĩ chung, cùng cộng hưởng, phát triển GDNN...


Thứ trưởng Bộ  Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trình bày báo cáo “Thực trạng và định hướng phát triển GDNN Việt Nam trong thời gian tới”

Ngay sau phần khai mạc là phiên thảo luận về những vấn đề chung của GDNN, trong đó, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trình bày tham luận về “Xu hướng thế giới về đào tạo nghề và bài học cho Việt Nam”; Thứ trưởng Bộ  Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trình bày báo cáo “Thực trạng và định hướng phát triển GDNN Việt Nam trong thời gian tới”. Hội thảo cũng gồm 3 phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: (i) Về thể chế GDNN; (ii) Về GDNN và Doanh nghiệp; (iii) Bảo đảm chất lượng GDNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.


Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Wendy Cunningham phát biểu

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra các quan điểm, xu hướng phát triển GDNN trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; phân tích hệ thống chính sách, pháp luật và yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng thể chế GDNN; phân tích, làm rõ những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với lĩnh vực GDNN trước bối cảnh biến động nhanh chóng và khó lường của thị trường lao động và việc làm dưới sự tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật; đổi mới GDNN, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế...

Ng. Phương
Ảnh: Khánh Duy