Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự Phiên họp thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 14:02 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ Hai, sáng 8.10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chủ trì Phiên họp.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; đại diện Thường trực các Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường…

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp (1)
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp 

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ Ba vừa qua. Sau đó, Thường trực Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo để tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Thường trực Ủy ban đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban để trình ra Phiên họp hôm nay. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, các đại biểu tập trung phát biểu thảo luận, cho ý kiến để dự án Luật có chất lượng cao nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại Phiên họp

Tờ trình dự án Luật Cảnh sát cơ động do Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Phạm Quốc Cương trình bày cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật Cảnh sát cơ động trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với quy định của các luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động. Đồng thời, luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại được xác định tại các văn kiện như Nghị quyết Đại hội XI, XII, XIII của Đảng và Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Đề án hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 Chương, 31 Điều, được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của cảnh sát cơ động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức trình bày báo cáo Thẩm tra
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức trình bày báo cáo Thẩm tra

Trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng”, trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ góp phần xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Các đại biểu phát biểu tại Phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại Phiên họp

Về nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động (Điều 4), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành với nội dung quy định tại dự thảo Luật vì phù hợp nguyên tắc hoạt động của lực lượng Công an nhân dân, trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, còn có ý kiến đề nghị nghiên cứu để thể hiện rõ nguyên tắc chấp hành mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang; chấp hành kỷ luật, nghiêm minh, tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành mệnh lệnh cấp trên; nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng trung ương, không ghi chung chung như quy định tại Khoản 5 “bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương” như quy định tại dự thảo Luật.

Một số ý kiến đề nghị nội dung quy định về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho Cảnh sát cơ động tại Điều 20 của dự thảo Luật cần bám sát các quy định liên quan tại Luật Công an nhân dân để bảo đảm tương thích và đầy đủ, đồng thời đề nghị thay cụm từ “pháp luật có liên quan” bằng cụm từ “pháp luật về ngân sách nhà nước”. Có ý kiến đề nghị tại Điều 28 cân nhắc bỏ nội dung “thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật”…

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng như Ban soạn thảo. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dường như dự thảo Luật vẫn còn tình trạng "luật khung", "luật ống" khi vẫn có 3 nội dung giao cho Chính phủ quy định, 9 nội dung giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định (tổng cộng 12/31 điều). Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, những vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng và nếu dễ làm, dễ thực hiện, dễ hiểu thì quy định ngay trong Luật.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động, Phó Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật, đề nghị, cần chặt chẽ, thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan. Về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, dù Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội song vẫn cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ ngay trong dự thảo Luật và phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan, tránh mâu thuẫn, chồng chéo ngay trong các lực lượng công an như cảnh vệ, cảnh sát bảo vệ, cảnh sát thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp, lực lượng quân đội như biên phòng, cảnh sát biển…

Trên cơ sở ý kiến đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Quốc phòng, An ninh tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án Luật; phối hợp cùng cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật bao gồm cả nội dung và hình thức, bảo đảm chất lượng.

Trung Thành