Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì họp Ban Chỉ đạo Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 15:06 - Chia sẻ
Sáng 17.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã chủ trì Phiên họp thứ Nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cùng các thành viên Ban Chỉ đạo đề án.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát nói riêng và đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung là yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội cũng như yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội. Nhằm triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu tập trung cho ý kiến về kế hoạch triển khai xây dựng Đề án, đề cương chi tiết của Đề án và việc phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ biên tập.

Theo Nghị quyết số 165, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng ban; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Phó Trưởng ban Thường trực; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên là Phó Trưởng ban và 12 Ủy viên.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng Đề án, bảo đảm mục đích, yêu cầu, chất lượng và tiến độ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua Đề án. Ban Chỉ đạo thành lập Tổ biên tập để giúp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện việc nghiên cứu, xây dựng Đề án và các văn bản khác có liên quan.

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu cho rằng, Đề án cần nhấn mạnh các quan điểm: đổi mới hoạt động giám sát phải bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, phù hợp với các quy định của pháp luật và chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp và các luật liên quan; xuất phát từ thực tiễn, cụ thể, thuyết phục, khách quan, khoa học, bảo đảm tính kế thừa, khả thi; đổi mới cả về nội dung, cách thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, bảo đảm Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân cả nước. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Về cách thức triển khai xây dựng Đề án, các thành viên, Tổ biên tập, các bên liên quan cần quyết liệt làm từ sớm, từ xa, chuẩn bị chu đáo; chỉ rõ sản phẩm đầu ra; có tính kế thừa các kết quả nghiên cứu, công việc đã và đang thực hiện. Đồng thời, thảo luận chuyên đề, xin ý kiến chuyên gia, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội qua nhiều vòng, làm sâu sắc các nội dung để bảo đảm chất lượng, có kiến nghị phù hợp, thiết thực.

Theo các đại biểu, thời gian qua tuy hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều cải tiến, đổi mới nhưng việc thực hiện các kết luận và nghị quyết giám sát vẫn là khâu yếu, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả giám sát. Do đó, việc xây dựng Đề án lần này phải tập trung tăng cường các giải pháp đổi mới khâu hậu giám sát; tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất quy trình tiến hành các hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban...

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần chủ động, khẩn trương của các cơ quan trong tham mưu, đề xuất, chuẩn bị cho Phiên họp; tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập trong việc triển khai công việc, cho ý kiến xây dựng dự thảo kế hoạch, đề cương. Ghi nhận các ý kiến thảo luận, góp ý tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ban chỉ đạo khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện các văn bản và triển khai thực hiện. Trong quá trình xây dựng Đề án cần coi trọng ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội qua các nhiệm kỳ, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động giám sát; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chịu sự giám sát; tăng cường phối hợp thông tin thông suốt trách nhiệm hiệu quả trong Ban Chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh và báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình triển khai để bảo đảm sự thành công của Đề án.

Trung Thành