Cùng tham dự về phía tỉnh Quảng Ngãi có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức; Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức cùng lãnh đạo các sở, ngành.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương đã thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV cũng như hoạt động của Đoàn tại kỳ họp.
Cần cơ chế thu hút, giữ chân nhân viên y tế cơ sở
Cử tri ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi phản ánh tình trạng thiếu nhân lực y tế trong một số chuyên ngành, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương không đủ hấp dẫn để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn cao về công tác, bác sĩ tốt nghiệp chính quy không muốn về công tác tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã.
Nhiều trường đại học không còn đào tạo bác sĩ liên thông từ y sĩ; một số trường có đào tạo thì học phí quá cao; nguồn y sĩ để đào tạo liên thông lên bác sĩ cũng ngày càng khan hiếm (do các trường không đào tạo trình độ y sĩ; số y sĩ đang công tác đã lớn tuổi).
Do đó, nguyện vọng của cử tri ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi mong muốn ban hành cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi, khuyến khích, giữ chân... dành riêng cho cán bộ y tế, nhất là đối với bác sĩ; đề xuất sửa đổi Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5.12.2017 của Chính phủ, vì điều kiện, tiêu chuẩn thu hút nhân lực theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP rất cao, trong khi số lượng sinh viên y khoa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc rất ít, hầu như không thể thu hút được.
Đồng thời, tăng đào tạo bác sĩ liên thông từ y sĩ, ưu tiên đào tạo bác sĩ cho tuyến xã; cơ sở y tế tuyến huyện khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và một số chuyên ngành khó tuyển dụng (lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh); tiếp tục đào tạo trình độ y sĩ, mở rộng đối tượng được đào tạo cử tuyển: Nghị định 141/2020/NĐ-CP chỉ quy định đối tượng đào tạo cử tuyển là người dân tộc thiểu số…
Ngoài ra, cử tri cũng phản ánh việc viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng có xu hướng gia tăng.
Lý do, theo cử tri là dù có tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30% mức lương cơ sở) từ ngày 1.7.2024 nhưng lương của cán bộ, nhân viên y tế công lập vẫn còn thấp hơn nhiều so với cơ sở y tế tư nhân. Chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với sinh viên ngành y, dược hiện nay rất cao, trong khi mức lương trả cho viên chức y tế (đặc biệt là bác sĩ) sau khi tốt nghiệp ra trường tại đa số cơ sở y tế công lập còn quá thấp nên không giữ chân được nhân viên y tế đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn cao.
Cùng với đó, tỷ lệ tự chủ tài chính cao, các cơ sở y tế không đủ kinh phí chi trả lương, thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, thiếu kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Phụ cấp tiền trực cho cán bộ, viên chức ngành y tế còn rất thấp, không có phụ cấp thâm niên ngành…
Cử tri Trịnh Thu Sĩ (Trưởng phòng Tổ chức, Sở Y tế) phản ánh việc các cơ sở y tế gặp khó khăn thực hiện công tác đấu thầu thuốc, thiết bị y tế. Nguyên nhân là do các hướng dẫn về công tác đấu thầu thuốc, thiết bị y tế thường xuyên thay đổi, gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, nên công tác đấu thầu thường bị chậm trễ so với thời gian kết thúc hợp đồng gói thầu trước đó.
Các cơ sở y tế đồng thời phải thực hiện rất nhiều gói thầu mua thuốc, vật tư y tế, hóa chất, hóa chất xét nghiệm để đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh. Trong khi đó nhân lực y tế vừa thực hiện công tác chuyên môn, vừa phải kiêm nhiệm thực hiện công tác đấu thầu dẫn đến quá tải trong công việc.
Nhân viên y tế cũng không có chuyên môn sâu về đấu thầu, có thể dẫn đến các sai sót trong quá trình thực hiện. Nhân viên y tế cũng không muốn tham gia vào hoạt động đấu thầu vì phải thực hiện thêm công việc ngoài chuyên môn, chịu rủi ro, trách nhiệm lớn nếu để xảy ra sai sót nhưng không có thêm bất cứ quyền lợi nào. Vì vậy, cử tri kiến nghị cần có cơ chế khuyến khích, cơ chế giảm trách nhiệm để nhân viên y tế yên tâm khi tham gia công tác đấu thầu.
Tại cuộc tiếp xúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên và Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức đã giải trình, làm rõ một số ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong đó, nhấn mạnh việc tỉnh luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ tại các cơ sở y tế; đồng thời, chỉ rõ một số vướng mắc về “điểm nghẽn thể chế”, cần phải có thời gian để tháo gỡ, thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cũng căn cứ vào nguồn lực của địa phương để có phương án hỗ trợ, thu hút đội ngũ bác sĩ.
Địa phương cần mạnh dạn quyết và làm
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận, biểu dương những đóng góp của đội ngũ y tế Quảng Ngãi trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Cho rằng, những tâm tư, tình cảm,nguyện vọng của đội ngũ y, bác sĩ là hoàn toàn chính đáng, cần được ghi nhận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương thì tới đây, tỉnh Quảng Ngãi cần quan tâm hơn nữa, có các chính sách thu hút người giỏi vào ngành y, từ đó đáp ứng nhu cầu về đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế.
Trao đổi với cử tri về “điểm nghẽn thể chế”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thể chế không chỉ nằm trong luật và không chỉ có “vai” của Quốc hội, mà còn “vai” của Chính phủ, các bộ, ngành cũng rất quan trọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội đã chú trọng công tác rà soát, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt đã tiến hành tổng rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để phát hiện những vướng mắc, bất cập. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy những vướng mắc ở tầm luật không nhiều mà vướng nhiều ở nghị định, thông tư.
Thời gian qua, Quốc hội đã tiến hành tháo gỡ vấn đề này rất nhiều; đổi mới từ tư duy quản lý sang tư duy “vừa quản lý vừa kiến tạo”; quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, kết hợp chặt chẽ giữa “tiền kiểm và hậu kiểm”; giải quyết rõ giữa “phân cấp và phân quyền”...
Về việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định tiến hành một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đã là cách mạng thì phải có hy sinh; đề nghị cử tri ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương để triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.
Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND, UBND tỉnh căn cứ thẩm quyền, quy định của pháp luật để xử lý với tinh thần mạnh dạn quyết và làm; đồng thời, Đoàn ĐBQH cũng sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.