Nhiều đổi mới, đột phá
Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ ấn tượng với những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Ngãi đạt được trong năm 2024.
Theo đó, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, song tỉnh đã phấn đấu đạt 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2024, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 4,07%, cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch là 2,5 - 3%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, chiếm 39,9%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 2,6%; thu ngân sách vượt chỉ tiêu Trung ương giao 15,5% (kế hoạch là 5%), ước đạt 29.503 tỷ đồng.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các ngành, các cấp, lực lượng vũ trang và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đạt được trong năm qua, góp phần quan trọng vào kết quả chung của đất nước.
Thông tin về Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều vấn đề khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và thực tiễn đang đòi hỏi cần giải quyết cấp thiết.
Điểm nổi bật trong hoạt động Quốc hội là đổi mới tư duy, phương pháp quy trình lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng: từ thiên về quản lý sang vừa quản lý vừa khuyến khích sáng tạo, đổi mới, kiến tạo để phát triển, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Đồng thời, triệt để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Pháp luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vấn đề khung, mang tính nguyên tắc và không luật hóa nội dung của Nghị định, Thông tư, bảo đảm "đúng vai, thuộc bài"; tạo hành lang pháp lý cho những vấn đề và xu hướng mới, những vấn đề còn đang trong quá trình phát triển giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cùng với đó, tập trung phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, giải quyết mối quan hệ phân cấp - phân quyền; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Hoạt động giám sát có nhiều đổi mới quan trọng theo hướng chuyển tư duy tiền kiểm sang vừa tiền kiểm vừa hậu kiểm. Giám sát ngay trong cả quy trình hoạch định chính sách, quy trình tổ chức thực hiện chính sách và kết quả thực hiện chính sách trong thực tiễn cuộc sống.
Hoạt động của HĐND ngày càng “thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn”
Đánh giá về hoạt động của HĐND tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng theo hướng ngày càng “thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn”; tăng cường dân chủ, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tiễn và Nghị quyết của Tỉnh ủy, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức các kỳ họp định kỳ đúng quy định, đồng thời để giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc của địa phương; linh hoạt, chủ động các phiên họp bất thường để kịp thời giải quyết công việc.
Tổ chức đa dạng các hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình, tiếp xúc cử tri chuyên đề; lựa chọn, xem xét kịp thời, đúng và trúng nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, để quyết định, ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn quan trọng thuộc phạm vi, quyền hạn.
Quyết liệt sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Chia sẻ với những khó khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ của Quảng Ngãi cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 20 đã đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 -2025, định hướng đến năm 2030.
Cần kiên trì và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với huy động sức mạnh của toàn thể Nhân dân tỉnh nhà.
Xác định rõ “điểm nghẽn" về thể chế thuộc trách nhiệm của Trung ương và của tỉnh, huyện là gì? Điểm nghẽn về hạ tầng kinh tế - xã hội là gì? Điểm nghẽn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là gì? Từ đó, xác định các giải pháp đột phá, sát với tình hình của địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, đảo Việt Nam, trong đó có Quảng Ngãi.
Thứ hai, tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, rà soát việc thực hiện các chủ trương của Trung ương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cần triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các luật được ban hành trong năm 2024, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, "một luật sửa 4 luật" về đầu tư, "một luật sửa 9 luật" về tài chính, ngân sách...
Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới: kinh tế xanh, tuần hoàn; khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo; năng lượng… Trọng tâm là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp nền tảng, thúc đẩy hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. Đẩy mạnh phát triển du lịch, sớm hình thành Trung tâm du lịch biển - đảo Lý Sơn.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ cho quá trình phát triển, tạo sự kết nối liên thông, đồng bộ; thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng số.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; triển khai các giải pháp quản lý, sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả cao nhất; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương; thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng.
Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền cũng như các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp bộ máy “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.
Trong đó, có việc thực hiện Nghị quyết số 1279/NQ-UBTVQH15 ngày 14.11.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023-2025, bảo đảm nhanh chóng sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Quyết liệt thực hiện nghiêm túc việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…, thực sự là cuộc cách mạng, khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường, phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, tiềm lực văn hóa, con người Quảng Ngãi.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu phải nỗ lực, quyết tâm tâm thật sự; đoàn kết, thống nhất thật sự; dân chủ, công tâm, vô tư; trên hết, trước hết là vì dân, vì nước, vì sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Chủ động và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, e dè, sợ trách nhiệm làm trì trệ, cản trở sự phát triển; thực hiện hiệu quả chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Quảng Ngãi cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, tinh thần cởi mở, mời gọi nhân sự là những người giỏi, có đức, có tài về tỉnh làm việc hoặc tham gia trí tuệ, công sức, nguồn lực với tỉnh; chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn mới.
Thứ sáu, đối với HĐND, tiếp tục thực hiện tốt phương châm hoạt động “Trách nhiệm, đổi mới, chuyên nghiệp, hiệu quả”. Nâng cao năng lực cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như chất lượng công tác chuẩn bị các kỳ họp, hoạt động thẩm tra, hoạt động tại kỳ họp, hoạt động giám sát, khảo sát; chất vấn, giải trình, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân.
Trên cơ sở hoạt động thực tiễn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vừa được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua để có thể trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới đây bảo đảm chất lượng, có tính khả thi cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng với trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới của đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phát huy truyền thống cách mạng, anh hùng, sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống của Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.