Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân vững mạnh
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng; các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Tư lệnh Quân khu 9, Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt; lãnh đạo Cục Phòng không Lục quân; lãnh đạo TP. Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long...
Quân khu 9 là địa bàn chiến lược trên hướng Tây Nam của Tổ quốc. Thời gian qua, Quân khu 9 luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lực lượng vũ trang Quân khu thường xuyên được chăm lo xây dựng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ được đào tạo cơ bản, được rèn luyện qua thực tế huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao; nhận thức về công tác phòng không nhân dân của lực lượng vũ trang Quân khu và Nhân dân từng bước đầy đủ hơn. Đây là cơ sở để xây dựng lực lượng phòng không nhân dân ngày càng vững mạnh, góp phần quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Về công tác thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, Quân khu 9 cho biết, đã thành lập, kiện toàn và hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân; công tác tham mưu, kịp thời ban hành các văn bản về công tác phòng không nhân dân; xây dựng đầy đủ các kế hoạch phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn sẵn sàng xử lý tốt các tình huống tác chiến phòng không đáp ứng yêu cầu quản lý vùng trời trong tình hình mới. Tiêu biểu có các địa phương: Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre.
Thời gian qua, Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân Quân khu thực hiện các nội dung công tác phòng không nhân dân thời bình; tổ chức, chỉ đạo, xây dựng, huy động lực lượng dân quân tự vệ phòng không; xây dựng các tổ, đội chuyên môn; đặc biệt là quan tâm xây dựng thế trận phòng không nhân dân. Ban Chỉ đạo các cấp phát huy tốt vai trò, chức năng tham mưu, chỉ đạo, giúp cấp ủy, chính quyền, địa phương cùng cấp trong triển khai hoạt động công tác phòng không nhân dân; quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố thế trận phòng không nhân dân ở cơ sở, nhất là cấp huyện, xã, phường, thị trấn.
Liên quan công tác quản lý, xử phạt tàu bay không người lái, Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân Quân khu 9 cho biết, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Công an, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát nắm chắc các cơ sở có hoạt động sản xuất, lắp ráp, kinh doanh và vận chuyển tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ và các tổ chức, cá nhân có hoạt động bay.
Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia hoạt động bay, tham gia câu lạc bộ hàng không để được bồi dưỡng, huấn luyện và tổ chức hoạt động tập trung theo quy chế của câu lạc bộ được Bộ Tổng Tham mưu cấp phép. Thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục cấp phép và thông báo bay đối với phương tiện bay không người lái, thẩm định độ cao tĩnh không trong xây dựng công trình.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân Quân khu 9 nhận định, còn khó khăn, hạn chế, bất cập, như lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên tham gia phòng không chủ yếu làm việc và lao động tại các cơ quan, ban, ngành, các khu công nghiệp, do đó việc huy động gặp khó khăn. Cơ chế sau khi huy động trở về làm tại cơ quan, đơn vị cũ gặp nhiều vướng mắc; đối tượng sắp xếp, huy động có nhiều thay đổi do điều kiện làm ăn kinh tế, hoàn cảnh gia đình...
Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân Quân khu 9 kiến nghị, do lực lượng chuyên môn phòng không chủ yếu làm việc kiêm nhiệm chưa có chế độ bồi dưỡng, phụ cấp đặc thù. Ngân sách bảo đảm cho hoạt động công tác phòng không nhân dân ở các địa phương tuy đã được quan tâm, đầu tư song mức độ còn hạn chế việc đầu tư xây dựng các công trình phòng tránh trọng điểm, khu sơ tán của nhân dân, các trận địa, vọng quan sát mắt còn hạn chế. Do đó, cần quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách với lực lượng này.
Cần thiết quản lý phương tiện bay không người lái
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng nêu nhiều nội dung đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, như: Việc thực hiện các nội dung công tác phòng không nhân dân thời bình; tổ chức, chỉ đạo xây dựng và tổ chức lực lượng phòng không nhân dân của Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân Quân khu, tỉnh; công tác huấn luyện, diễn tập, xây dựng công trình phòng không nhân dân, trận địa phòng không; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với phòng không nhân dân.
Đặc biệt là công tác quản lý, cấp phép và xử phạt tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm pháp luật về an ninh, an toàn hàng không theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc bảo đảm ngân sách, chế độ, chính sách, trang bị cho Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân, cơ quan thường trực, cơ quan chuyên trách, lực lượng phòng không nhân dân...
Các đại biểu cũng trao đổi, làm rõ các nội dung về: công tác xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thế nào để khi cần thiết đáp ứng được yêu cầu; công tác phân cấp, phân quyền về quản lý, cấp phép phương tiện bay không người lái sao cho thuận lợi, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội...
Đại diện lãnh đạo TP. Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long cho rằng, nhiệm vụ thực hiện công tác phòng không nhân dân là rất quan trọng. Thời gian qua, Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân hai tỉnh đã tập trung chỉ đạo, kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân các cấp; dành ngân sách cho công tác xây dựng công trình phòng thủ, công tác huấn luyện…, đặc biệt là công tác tuyên truyền giáo dục đến người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Từ thực tế tại địa phương, lãnh đạo các địa phương cho rằng, rất cần thiết quản lý phương tiện bay không người lái, vì hiện nay, tại mỗi địa phương có hơn 100 phương tiện bay không người lái. Để bảo đảm an ninh, quốc phòng và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cần có sự phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý, cấp phép; việc xử phạt cần cụ thể, tránh chồng chéo, khó khăn, nhất là các phương tiện bay phục vụ cho nông nghiệp.
Thay mặt Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân, Tư lệnh Quân khu 9 Nguyễn Xuân Dắt tiếp thu các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các địa phương và đại biểu tại cuộc làm việc; nêu rõ Quân khu 9 sẽ sớm hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đóng góp xây dựng dự án Luật Phòng không nhân dân.
Về công tác phòng không tại khu vực thuộc đơn vị quản lý, Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt cho biết, đơn vị luôn xem trọng công tác này; những địa điểm trọng yếu, đơn vị bố trí lực lượng, khí tài đáp ứng nhiệm vụ phòng không, sẵn sàng tiêu diệt mục tiêu bay vi phạm.
Tư lệnh Quân khu 9 cũng nêu rõ, việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân thay thế các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về công tác này sẽ là hành lang pháp lý để bảo vệ vùng trời quốc gia, là căn cứ quan trọng để gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc nêu cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng không nhân dân. Từ đó chủ động việc xây dựng các kế hoạch, thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa, chủ động các kịch bản, phương án phù hợp với công tác phòng không nhân dân trên địa bàn, đánh bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch; là cơ sở để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm vùng trời, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh vị trí trọng yếu của Quân khu 9 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với truyền thống của đơn vị, Quân khu 9 đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, để lại dấu ấn tốt đẹp trong quần chúng nhân dân. Trong thời bình, trước những thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, Quân khu 9 tiếp tục có những sáng kiến xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có công tác phòng không nhân dân.
Khẳng định, các ý kiến đóng góp của các đại biểu và lãnh đạo địa phương tại cuộc làm việc rất cần thiết cho Ban soạn thảo dự án Luật phòng không nhân dân. Do đó, Ban soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ; đồng thời rà soát từ ngữ, các quy định trong dự án luật, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, tránh chồng chéo với các luật khác.