![Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp. Ảnh: Hồ Long z6308156835460-1f0afaa1cd257d73faca87ec11480369.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/2cd8f6c7354f084a763abfccd30bc962303452e17a89624fe496deb72d9fd5c454acfc80009dcf5f02d4ae33e0700ac39dd31d5b62c9dd63f6fe4b2b10b80841db67e207d1db677d0be04cd3e8f5f3a4/z6308156835460-1f0afaa1cd257d73faca87ec11480369.jpg)
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Cao Thị Xuân, Trần Thị Hoa Ry, Nguyễn Lâm Thành, Quàng Văn Hương, Đinh Thị Phương Lan và các thành viên Hội đồng Dân tộc; đại diện Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam... tham dự.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, năm 2024 là năm rất sôi động với nhiều nhiệm vụ quan trọng đã được Hội đồng Dân tộc tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc.
“Kết quả đạt được của Hội đồng Dân tộc tương đối toàn diện trên các lĩnh vực công tác, đặc biệt là việc chủ trì lập đề nghị và soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đến hoạt động giám sát, khảo sát và tham mưu Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.
![Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp. Ảnh: Hồ Long Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp. Ảnh: Hồ Long](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a300a448787f2be07fb4c64f800a88af3558054b4ce82d4cae6416feab22f280d8768379060c200dbebd4e507c4c9c18fe4ead0ac7eaee2b1dc602aa06be553b367a66cca32277eb9644c2f21e656576f78c/pho-chu-tich-quoc-hoi-tran-quang-phuong-phat-bieu-chi-dao-1.jpg)
Tại Phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận kỹ các vướng mắc, hạn chế trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao, thể hiện tinh thần “đồng hành” cùng Chính phủ tháo gỡ được rất nhiều vấn đề cả về thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành; đặc biệt đã ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, khi triển khai Nghị quyết 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều địa phương không dám làm. Chỉ rõ thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “Quốc hội đã cho chủ trương chuyển nguồn, nhưng chuyển nguồn từ dự án, chương trình, đối tượng không còn nhu cầu sang dự án, chương trình, đối tượng có nhu cầu vẫn chưa làm được, chưa có hướng dẫn. Đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này”.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc cần phối hợp với các cơ quan hữu quan đánh giá, tổng kết việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1, chuẩn bị cho triển khai giai đoạn 2 (2025-2030).
![Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long toan-canh-phien-hop-3660.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a30077bf9297b8c772d419d619973293d044bc381642eca80f72816e23b966a1e4012b93bce4b5b876c59069228acf713e1b/toan-canh-phien-hop-3660.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đối với những vướng mắc trong Luật Lâm nghiệp liên quan đến quy hoạch rừng, đất lâm trường, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, sinh kế dưới tán rừng, tín chỉ carbon rừng..., cần sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi trong năm 2025 này.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cung cấp thêm thông tin về những tác động của tình hình kinh tế - xã hội đến đời sống, sản xuất của đồng bào dân tộc trong thời gian qua; làm rõ các định hướng lớn trong việc chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Đồng tình với các nhiệm vụ công tác của Hội đồng Dân tộc đề ra cho năm 2025, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Hội đồng Dân tộc cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng như xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức và bộ máy của Hội đồng Dân tộc theo chỉ đạo của Đảng ủy Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với đó, “chú trọng hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, trong đó quán triệt tư duy mới về xây dựng pháp luật. Hội đồng Dân tộc phối hợp với Ủy ban Pháp luật làm rõ khái niệm giám sát; phạm vi, đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội…”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
![Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu. Ảnh: Hồ Long chu-tich-hoi-dong-dan-toc-y-thanh-ha-nie-kdam-phat-bieu-1.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a3005e8f9de863b9cad6b0915555d8c13e7ef3857794c798b7d3120507c7b467fa082ea04759d9e8c818b18a4409014c7e204e9952bc7dc05a42277b8cb4162f754c20f797f9a9c3ac9b108b3f8d82601a33/chu-tich-hoi-dong-dan-toc-y-thanh-ha-nie-kdam-phat-bieu-1.jpg)
Trong phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, phiên họp mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp để đánh giá toàn diện, sâu sắc kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và thách thức trong các lĩnh vực công tác của Hội đồng Dân tộc năm 2024. Trên cơ sở đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu mà Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ.
+ Cũng tại Phiên họp, các đại biểu đã xem phóng sự về kết quả hoạt động năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Hội đồng Dân tộc; nghe các bộ, ngành tham luận về tình hình kinh tế - xã hội tác động đến đồng bào dân tộc; và một số nội dung quan trọng của Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV, như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).