Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh.
Cùng dự có: Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số cơ quan của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phía Nam; các chuyên gia, nhà khoa học...
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, kết quả xây dựng dự thảo Luật bước đầu cho thấy nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động giám sát của HĐND cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm để hoàn thiện, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động giám sát trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc xây dựng dự thảo Luật cần bám sát các quan điểm của Đảng, Nhà nước và những chính sách đã được Quốc hội thông qua; những vấn đề, nội dung nào đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, phù hợp, có sự thống nhất cao thì đưa vào dự thảo Luật. Đối với những nội dung, quy định còn có nhiều ý kiến khác nhau, thì có thể đề xuất xây dựng các phương án cụ thể, làm rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án để xin ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ban soạn thảo chỉ đạo Tổ Biên tập tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia tại Hội thảo, để xây dựng báo cáo tổng hợp, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng từng nội dung để kịp thời tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, trước yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính toàn diện, cụ thể của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, Hội đồng Dân tộc được giao chủ trì, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hồ sơ lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, và đã được Quốc hội xem xét, thông qua trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn rất quan trọng trong quy trình lấy ý kiến đối với dự án Luật để Ban soạn thảo cũng như các cơ quan, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan trong hồ sơ dự án Luật, củng cố thêm các cơ sở lý luận, thực tiễn vững chắc và hoàn thiện nội dung, kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật thuộc 5 vấn đề: bổ sung nguyên tắc bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và luật hóa tiêu chí gắn với công tác xây dựng pháp luật, giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là một trong các tiêu chí để lựa chọn chuyên đề giám sát của các chủ thể giám sát.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND và thẩm quyền trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát; sửa đổi, bổ sung các quy định về trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát.
Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo luật, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, toàn diện, đóng góp ý kiến với nhiều nội dung với mong muốn sau khi Luật này được ban hành sẽ góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.
Nhân dịp này, Hội đồng Dân tộc đã trao 300 triệu đồng tặng Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.