Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn công tác và chuyên gia của Fulbright đã trao đổi về chủ đề: Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và tác động của đại dịch Covid-19; các vấn đề dài hạn và cải cách thể chế; một số mục tiêu kinh tế trong chiến lược 2021 - 2030 và định hướng giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 5 - 10 năm tới. Các chuyên gia đều nhìn nhận, nhiều thành quả kinh tế - xã hội có được là nhờ sự ủng hộ, hỗ trợ và thúc đẩy tích cực của Quốc hội. Các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội được thể chế hóa và triển khai sâu rộng vào thực tiễn. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam ngày càng thực chất hơn, thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được bảo đảm ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được củng cố và mở rộng. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp và thị trường từng bước được củng cố. Các mục tiêu phát triển xã hội được quan tâm cùng với phát triển kinh tế.
Về tác động của đại dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng, đây là "cú sốc kép" về phía cung và phía cầu đối với Việt Nam. Cú sốc kép phía cung làm giảm sản xuất. Cơ sở sản xuất đóng cửa vì cách ly xã hội. Các cơ sở dịch vụ bị tác động mạnh nhất. Chuỗi cung ứng bị xáo trộn và rào cản đi lại đối với nhà quản lý, chuyên gia. Về phía cầu, người tiêu dùng không có cơ hội tiêu dùng vì cách ly xã hội. Sức cầu yếu đi từ 3 yếu tố: Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vì thất nghiệp hay thu nhập giảm; doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu đầu tư vì viễn cảnh kinh tế xấu; và cầu xuất khẩu giảm vì suy thoái kinh tế ở thị trường các đối tác thương mại.
Các đại biểu đã thảo luận một số mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 - 10 năm tới. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Các chuyên gia Fulbright kiến nghị cần cải cách sâu rộng hơn nữa về thể chế kinh tế. Nâng cao năng lực quản trị nhà nước, chất lượng vốn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và kỹ năng cần cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia Trường Đại học Fulbright. Đây là những thông tin hữu ích để Quốc hội có thêm thông tin, đánh giá về các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, từ đó đề ra định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn Trường Đại học Fulbright sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.