Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn…
Hoàn thiện quy định pháp luật về chế độ, chính sách với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục
Báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, sau 29,5 ngày làm việc, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 Nghị quyết. Trong đó, có 4 Nghị quyết quy phạm pháp luật trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp…
Cử tri huyện Nho Quan đánh giá cao kết quả kỳ họp và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tại Kỳ họp. Các ĐBQH tỉnh tích cực tham gia xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; tích cực tham gia phát biểu về các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, thảo luận về các dự án luật, chất vấn Chính phủ và các thành viên của Chính phủ.
Bày tỏ vui mừng tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo, nhiều cử tri Nho Quan cho rằng: Toàn ngành giáo dục đặt nhiều kỳ vọng khi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về giáo dục được thực hiện sẽ tháo gỡ các khó khăn, bất cập, giải quyết các điểm nghẽn để giáo dục phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, thiếu tính đồng bộ, thống nhất, thậm chí chồng chéo, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tiễn, như: Việc quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo chưa đồng bộ, thống nhất giữa Nghị định số 76 của Chính phủ và Quyết định số 244 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo một số cử tri, thực tế, việc tuyển dụng những nhà giáo có trình độ chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm từ viên chức các cơ sở giáo dục về làm công chức tại cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo hiện đang gặp khó khăn.
Bởi khi nhà giáo trở thành công chức làm việc tại cơ quan quản lý giáo dục sẽ không còn được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên (do Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ - Bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục đã hết hiệu lực; Nghị định số 54 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo khi chuyển về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục sẽ không được hưởng. Vì vậy, rất khó để chuyển nhà giáo thành công chức về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương. Nguy cơ thiếu hụt công chức sẽ xảy ra khi công chức tại cơ quan quản lý giáo dục được điều động, bố trí sắp xếp hoặc nghỉ hưu.
Cử tri đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phản ánh các nội dung nêu trên đến Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm giải quyết. Đồng thời, có chế độ, chính sách phù hợp với công chức công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh, cấp huyện để tuyển dụng, bố trí được những người có năng lực chuyên môn giỏi về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
Đánh giá cao việc thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18- NQ/TW của Trung ương về sắp xếp hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được cán bộ, đảng viên đang hết sức quan tâm.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cử tri huyện Nho Quan đề nghị Trung ương cần thực hiện kế hoạch, giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị quyết liệt, đồng bộ, tổng thể, đưa mô hình tổ chức bộ máy chính trị từ Trung ương đến địa phương sớm ổn định, để cử tri và Nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.
Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Ninh Bình để các cấp triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sớm ổn định tình hình sau sắp xếp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, các cấp, các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ các xã sau sáp nhập về kinh phí, cơ sở vật chất như: phòng họp, phòng làm việc, bộ phận một cửa, trang thiết bị làm việc, kho lưu trữ và kinh phí hỗ trợ.
Quan tâm đến lĩnh vực giao thông, một số cử tri đề nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo đầu tư nâng cấp, thảm Asphalt Quốc lộ 12B đoạn từ khu vực Ngã 3 Rịa, xã Phú Lộc đi thị trấn Nho Quan để thuận tiện giao thương và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng như huyện Nho Quan.
Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy với quyết tâm cao nhất
Tại cuộc tiếp xúc, đại diện lãnh đạo sở, ngành, đơn vị liên quan của Ninh Bình đã làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị thuộc thẩm quyền.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cảm ơn và ghi nhận các ý kiến xác đáng, trách nhiệm của cử tri. Đồng thời, đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình nói chung, huyện Nho Quan nói riêng có nhiều khởi sắc. Công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Liên quan đến trăn trở, đề xuất của cử tri về các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Tại kỳ họp thứ Tám, dự án Luật Nhà giáo đã được Quốc hội đưa ra thảo luận lần đầu, được rất nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Dự thảo luật thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò đội ngũ nhà giáo; khắc phục tình trạng có nhiều văn bản về nhà giáo nhưng chồng chéo, thiếu đồng bộ; kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo; phù hợp với xu thế của quốc tế trong xây dựng chính sách nhà giáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, so với quy định hiện hành tại các Luật liên quan, dự thảo Luật Nhà giáo có một số điểm mới. Trong đó, có đối tượng, phạm vi áp dụng của dự thảo Luật Nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.
Bên cạnh đó, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp…
Liên quan đến cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Đây là đòi hỏi tất yếu khách quan để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc tinh gọn lần này với tinh thần đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Từ đó, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
Theo lộ trình, sẽ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, nhập nguyên trạng huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư; 43 đơn vị hành chính cấp xã nằm trong diện phải sắp xếp, có liên quan.
Với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ninh Bình cần thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy với quyết tâm cao nhất. Cùng với đó, tập trung rà soát các quy định, xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Phát huy mọi nguồn lực của các địa phương, nhất là khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.