Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tiếp 2 Bộ trưởng New Zealand

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tiếp Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và các cộng đồng dân tộc Melissa Lee
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tiếp Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và các cộng đồng dân tộc Melissa Lee

Ngày 11.9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã rời Thủ đô Wellington, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại New Zealand. Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Chủ tịch Quốc hội đã tiếp Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và các cộng đồng dân tộc Melissa Lee và Bộ trưởng Bộ Giáo dục New Zealand Penny Simmonds.

Ngày 11.9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã rời Thủ đô Wellington, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại New Zealand.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã tiếp Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và các cộng đồng dân tộc Melissa Lee và Bộ trưởng Bộ Giáo dục New Zealand Penny Simmonds.

Tại các cuộc tiếp, Bộ trưởng Melissa Lee và Bộ trưởng Penny Simmonds gửi lời chia sẻ sâu sắc trước những tổn thất mà Việt Nam phải gánh chịu do cơn bão Yagi gây ra. Các Bộ trưởng cảm thông và hi vọng Nhà nước cũng như nhân dân Việt Nam sớm khắc phục hậu quả của bão lũ, ổn định cuộc sống của người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của hai Bộ trưởng; đồng thời cho biết, hiện nay, Đảng, Nhà nước và các địa phương của Việt Nam đang tập trung cao nhất cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và nhân dân tăng cường cảnh giác, chủ động các phương án đối phó với diễn biến bất thường, nguy hiểm của thời tiết; huy động tối đa các nguồn lực để bảo đảm an toàn và ổn định đời sống của nhân dân.

Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và các cộng đồng dân tộc Melissa Lee, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam là một quốc gia thống nhất với 54 dân tộc, trong đó có gần 13,4 triệu người dân tộc thiểu số thuộc 53 dân tộc, chiếm hơn 14% dân số cả nước. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam thống nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước.

Nhà nước luôn dành cho các điều kiện ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các cộng đồng dân tộc. Nhà nước bảo đảm các quyền cư trú, giáo dục, khám chữa bệnh, lao động, sản xuất và tiếp cận các tiến bộ xã hội, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tạo điều kiện tốt hơn cho các dân tộc thiểu số tự vươn lên và phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cộng đồng nhưng đồng thời giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Quốc hội đã ban hành Hiến pháp, 99 bộ Luật, Luật và nhiều Nghị quyết về công tác dân tộc và các chính sách trong lĩnh vực dân tộc, trong đó có các nội dung, Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển, giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện hiệu quả các quyết sách trên.

13.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao đổi với Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và các cộng đồng dân tộc Melissa Lee

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao chính sách dân tộc của New Zealand, là đất nước giao thoa nhiều nền văn hóa và bản sắc dân tộc khác nhau, trình độ phát triển cao. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hai nước chia sẻ nhiều giá trị chung trong việc coi trọng đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy bản sắc của các dân tộc, tạo điều kiện để các dân tộc cùng phát triển và hội nhập, đóng góp vào quá trình phát triển chung của đất nước.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ New Zealand và cá nhân Bộ trưởng Melissa Lee đối với cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand. Chính phủ New Zealand đã có chính sách hỗ trợ người lao động nhập cư Việt Nam hòa nhập đời sống kinh tế, xã hội; hỗ trợ về giáo dục, y tế đối với gia đình người lao động; chính sách đào tạo nghề, cũng như việc đảm bảo các quyền lợi của người lao động nhập cư.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng rất có ý nghĩa được tổ chức ở cấp trung ương và nhiều địa phương, như việc lần đầu tiên Bộ trưởng Melissa Lee tổ chức lễ đón Tết Năm mới âm lịch cho các cộng đồng người châu Á, ngay tại Nhà Quốc hội New Zealand; các Lễ hội đa văn hóa, đa dân tộc tại các địa phương New Zealand.

Nhất trí với các đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Bộ trưởng Melissa Lee cũng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những ưu tiên đối ngoại của New Zealand; tin tưởng, với vai trò là quốc gia điều phối quan hệ ASEAN – New Zealand trong giai đoạn 2024 – 2027, Việt Nam sẽ luôn ủng hộ New Zealand thắt chặt hơn mối quan hệ với ASEAN.

Theo Bộ trưởng Melissa Lee, cộng đồng người Việt Nam là một trong những cộng đồng quan trọng tại New Zealand, là thành viên quan trọng của đất nước New Zealand đa văn hóa. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và các cộng đồng dân tộc New Zealand, Bộ trưởng Melissa Lee hy vọng có thể xây dựng một cộng đồng vững mạnh, hài hoà giữa những cộng đồng khác nhau trong đại gia đình đa văn hoá, sắc tộc New Zealand.

12.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao quà lưu niệm tặng Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và các cộng đồng dân tộc Melissa Lee

Hai bên đánh giá cao những tiến triển trong hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư giữa hai nước thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, hai bên tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác về kinh tế (Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại, Đối thoại cấp cao về nông nghiệp); tạo điều kiện cho hàng hóa hai bên tiếp cận thị trường của nhau (với Việt Nam trước mắt là nhãn, vải, chuối, hoa cắt cành); thúc đẩy thử nghiệm thông quan các sản phẩm nông sản bằng giấy chứng nhận điện tử; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại sớm đạt 2 tỷ USD vào năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị New Zealand tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại New Zealand trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, dịch vụ lưu trú. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp New Zealand đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực New Zealand có thế mạnh như nông nghiệp sạch, quản trị rủi ro, thiên tai, năng lượng tái tạo. Phấn đấu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều trong thời gian sớm nhất. New Zealand tiếp tục dành cho Việt Nam các dự án hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo, y tế.

co6.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và các cộng đồng dân tộc Melissa Lee cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Bộ trưởng Melissa Lee đánh giá, quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư hai nước được tăng cường không chỉ trên bình diện song phương, hướng tới kim ngạch thương mại 3 tỷ USD năm 2026 mà còn trên bình diện đa phương trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng của khu vực thế giới như CPTPP, RCEP....

Năm 2025, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Cho rằng, đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, Bộ trưởng Melissa Lee mong muốn hai nước sớm nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất để phát huy tối đa thế mạnh của hai bên.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Penny Simmonds, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác giáo dục với New Zealand, coi đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.

Đến nay, đã có gần 3.000 học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại New Zealand. Việt Nam nằm trong top 3 nước ở khu vực Đông Nam Á về số lượng học sinh, sinh viên theo học tại New Zealand và là một trong những thị trường trọng điểm được các cơ sở giáo dục, các trường Đại học New Zealand quan tâm phát triển.

co2.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Penny Simmonds thăm hỏi tình hình bão lũ tại Việt Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Bộ trưởng Penny Simmonds và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giai đoạn 2023 – 2026, tạo cơ sở để hai bên cam kết cùng nhau phối hợp triển khai các mục tiêu mới, tạo đà phát triển quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Bộ trưởng Penny Simmonds đánh giá cao chuyến thăm làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước và hai Quốc hội; nhấn mạnh, hợp tác giáo dục là điểm sáng trong quan hệ hai nước và dư địa hợp tác vẫn còn rất nhiều.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Bộ trưởng Penny Simmonds tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác giáo tục giữa hai nước; duy trì và tăng số lượng học bổng của Chính phủ New Zealand dành cho du học sinh Việt Nam hằng năm; tạo thuận lợi hơn về chính sách visa để công dân hai nước giao lưu, đặc biệt là cho học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tập tại New Zealand. Hỗ trợ triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ quản lý thuộc các cơ quan, bộ, ngành và tăng cường phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục Việt Nam.

co5jpg.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Penny Simmonds

Tăng cường trao đổi học sinh, sinh viên, giáo viên và giảng viên, hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở giáo dục hai nước và thúc đẩy hợp tác giữa các trường phổ thông của Việt Nam và New Zealand.

Bộ trưởng Penny Simmonds nhất trí cho rằng, việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giáo dục sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước; nhấn mạnh việc hỗ trợ các khoá học tiếng anh ngắn hạn dành cho các đại biểu Quốc hội, cán bộ, lãnh đạo, quản lý của Văn phòng Quốc hội hai nước và tại Hội đồng nhân dân các địa phương.

Cho biết, rất mong chờ chuyến thăm làm việc tại Việt Nam vào tháng 10 năm nay để tổ chức những hội thảo thu hút du học sinh. Bộ trưởng Penny Simmonds bày tỏ tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của mối quan hệ New Zealand – Việt Nam.

Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp - Ảnh Quang Khánh
Thời sự Quốc hội

Tạo cơ hội mới cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn

Theo các đại biểu, việc thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng sẽ là bước đột phá lớn, tạo cơ hội mới để Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn nữa. Đồng thời, phát huy được vị trí địa lý của thành phố, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia

Chiều 21.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã chủ trì lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Vương quốc Campuchia - món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Nhà nước Campuchia trao tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều nay, 21.11, tại trụ sở Quốc hội Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, thay mặt Nhà nước Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã trao Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.