Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng đoàn giám sát…
Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ đã công bố Nghị quyết số 1141/NQ-UBTVQH15 ngày 15.8.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị, thành lập Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm Trưởng đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh là Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh là Phó Trưởng đoàn giám sát…
Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh tính chất quan trọng của chuyên đề giám sát, trực tiếp liên quan đến việc cụ thể hóa, thể chế hóa khâu đột phá thứ ba trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chuyên đề giám sát này có 4 điểm khó đặt ra. Đó là xuất phát từ phạm vi rộng, tính chất liên ngành của chủ đề giám sát; các chính sách thuộc phạm vi xem xét, đánh giá trải rộng trong nhiều đạo luật, nghị quyết của Quốc hội; việc nhận diện, hệ thống hóa các chính sách cụ thể thuộc phạm vi giám sát không đơn giản. Cùng với đó là liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành; và vấn đề đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trong cả khu vực công và khu vực thị trường luôn là vấn đề dư luận xã hội, cử tri rất quan tâm, tiềm ẩn nhiều bức xúc.
Quốc hội và cử tri rất kỳ vọng về những tác động tích cực sau chuyên đề giám sát này, nhất là những kiến nghị của Đoàn giám sát về giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến, nêu rõ quan điểm và đề xuất cụ thể, tạo điều kiện cho Tổ giúp việc tiếp thu, hoàn thiện các văn bản, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 20.8 tới đây.
Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết; góp thêm nhiều ý kiến hoàn thiện các dự thảo đề cương Báo cáo giám sát, Kế hoạch giám sát, đối tượng giám sát, thời hạn gửi báo cáo đến Đoàn giám sát; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Đoàn giám sát…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận, đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội trong việc xây dựng và trình ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, chuẩn bị các tài liệu của Phiên họp thứ nhất đầy đủ, nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng.
Cơ bản thống nhất với phạm vi, đối tượng, nội dung giám sát, Kế hoạch giám sát chi tiết, Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Đoàn ĐBQH, của đối tượng chịu sự giám sát, của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động giám sát cần bảo đảm yêu cầu vừa toàn diện nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, tiếp thu ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, tiếp tục rà soát, bảo đảm phạm vi, nội dung, đối tượng giám sát, bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Rà soát kỹ tiêu chí lựa chọn địa phương, cơ quan, đơn vị nơi Đoàn đến làm việc, bảo đảm tiết kiệm, khoa học, chất lượng, hiệu quả.