Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì làm việc với bộ, ngành về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực
Chiều tối 9/5, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các bộ, ngành liên quan về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.
Tham gia cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng đoàn giám sát; cùng các thành viên Đoàn giám sát và đại diện các bộ, ngành liên quan.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, việc triển khai giám sát chuyên đề này trong năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời, diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mục tiêu giám sát là xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tìm ra những điểm nghẽn, những bất cập và đề xuất các giải pháp hiệu quả.
.jpg)
Thời gian qua, Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc tại 10 địa phương. “Phiên làm việc với các bộ, ngành có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tiếp tục làm rõ những đánh giá tổng thể về thực trạng và hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này, làm cơ sở cho buổi làm việc với Chính phủ sắp tới”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành tập trung đánh giá thực trạng phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, tập trung vào quy mô, cơ cấu ngành nghề, chất lượng và kỹ năng của lực lượng lao động, đặc biệt trong các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ cao; đánh giá cơ chế, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài; hiệu quả của hệ thống giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là khả năng kết nối đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ, đặc biệt là trong các ngành nghề mới, lĩnh vực công nghệ số.

Nhiều kiến nghị, đề xuất mang tính chiến lược và dài hạn cũng được các đại biểu đặt ra nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cần nghiên cứu xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực, làm cơ sở cho bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược riêng, phù hợp với nhu cầu và đặc thù; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động, giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu lao động quốc gia...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các cơ quan hữu quan, cung cấp cho Đoàn thêm nhiều thông tin, số liệu có giá trị thực tiễn về chính sách, pháp luật và việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Qua báo cáo và trao đổi tại cuộc làm việc cho thấy, trên cơ sở các chủ trương, chính sách và kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, đề án, chương trình nhằm phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đặc thù từng lĩnh vực. Nhờ đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực: cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp giảm, trong khi khu vực công nghiệp và dịch vụ có xu hướng tăng; chất lượng đào tạo và năng lực người lao động ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, thách thức trong phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao - cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và sự phân bố giữa các vùng, miền, ngành nghề.
Nhấn mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong ba đột phá chiến lược, là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia, nền tảng cho tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh mong muốn các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết những vướng mắc, bất cập; đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đột phá trong lĩnh vực này.