Cùng đi có: Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Bình trong quá trình ứng cứu, di dời và khắc phục hậu quả do bão và mưa lũ gây ra, đặc biệt đáng mừng là tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có thiệt hại về người và tàu thuyền, phương tiện... Đây là kết quả của công tác dự báo, chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời và di dời dân đến nơi an toàn từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đến các cấp chính quyền, tổ chức, người dân trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia kịp thời, quyết tâm của các lực lượng vũ trang đã tích cực phối hợp với chính quyền và Nhân dân địa phương, tham gia ngay ngày đầu tiên của đợt bão, mưa lũ sau bão, góp phần bảo vệ tài sản, an toàn tính mạng tuyệt đối cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chia sẻ những tổn thất về thiệt hại với bà con Nhân dân bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các gia đình phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, đề nghị, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ người dân, kịp thời tiếp tế đủ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch cho những vùng bị ngập lụt, để bà con sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.
Dự báo tình hình mưa lũ có thể còn diễn biến phức tạp, lượng mưa lớn kết hợp với việc xả lũ từ các hồ, đập sẽ tạo ra lưu lượng nước rất lớn trên các sông, tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt. Lưu ý thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Thái Bình tiếp tục phân công cụ thể, các cấp, các ngành và lực lượng chủ động bám sát tình hình triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp ứng phó theo kế hoạch, phương án đã đề ra. Tăng cương huy động các lực lượng tập trung cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn, nhất là với các vùng khó khăn, vùng bị cô lập; quan tâm đầy đủ về phương tiện, đồ dùng thiết yếu, thực phẩm đối với các lực lượng đang làm nhiệm vụ giúp dân phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Đặc biệt, không chủ quan, lơ là, tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, vỡ đê… để có phương án bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, đặc biệt cần chủ động tổ chức sơ tán, di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn trong tình huống cấp bách…
Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, Thái Bình cần có đánh giá chính xác, cụ thể hơn về những thiệt hại để có các biện pháp khắc phục kịp thời; thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là với các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, hộ khó khăn bị ảnh hưởng do thiên tai.
Với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự đồng hành, ủng hộ, tương thân, tương ái của Nhân dân cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Thái Bình sẽ sớm khắc phục các hậu quả thiên tai, ổn định nhanh nhất đời sống người dân, đưa mọi hoạt động trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2024.
Theo tổng hợp sơ bộ của Thái Bình, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có 81 cột trung thế bị nghiêng, gãy đổ; khoảng 6.000ha lúa mùa bị thiệt hại; 585 ha rau màu vụ Đông mới trồng bị ảnh hưởng 30-70%; khoảng 1.215 ha cây ăn quả, chuối... bị ảnh hưởng 30 - 70% và 170 ha bị ảnh hưởng trên 70%; khoảng hơn 60 nghìn con gia cầm, thủy cầm bị chết...
Hiện nay, để tiếp tục ứng phó kịp thời với các nguy cơ do mưa lũ gây ra, Thái Bình tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại các địa bàn. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp xuống các vị trí được phân công để triển khai công tác phòng, chống lũ. Các địa phương cũng đã thành lập 20 cơ sở chỉ huy tiền phương để tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác phòng, chống lũ. Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng, dân quân tự vệ và các lực lượng xung kích được cử xuống các địa phương hỗ trợ chống lũ, hộ đê, di dời người dân sinh sống tại các vùng bờ bao, đê bối có khả năng bị tràn do lũ lớn và một số vị trí không bảo đảm an toàn…