Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Tập trung sửa đổi những vấn đề thực sự vướng mắc, cấp thiết
Cho ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại phiên thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang) chiều nay, 29.10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, việc sửa đổi cần gắn với đổi mới công tác giám sát của cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương, giám sát ngay từ khi quyết định chủ trương đầu tư; bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí.
Đổi mới quản lý có hiệu quả nhưng phải kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia là những dự luật rất quan trọng, thời gian qua Chính phủ đã chuẩn bị với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Chính phủ nhiều lần về 2 dự án luật này.
Cho biết Luật Đầu tư công được ban hành năm 2019, lần này Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi toàn diện, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần tập trung sửa đổi những vấn đề thực sự vướng mắc, cấp thiết để đáp ứng yêu cầu được đặt ra từ thực tiễn, “làm sao dù chỉ sửa một vài điều nhưng phải tạo được chuyển biến, không nóng vội, không cầu toàn”.

Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các dự án Luật cần thể hiện rõ yêu cầu này để thích ứng nhanh với tình hình thực tế; đổi mới quản lý có hiệu quả nhưng phải kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển, khơi thông nguồn lực. Đồng thời, việc sửa đổi cần gắn với đổi mới công tác giám sát của cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương, giám sát ngay từ khi quyết định chủ trương đầu tư; bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí.
Cho ý kiến về phạm vi sửa đổi luật, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật như Chính phủ trình. Tuy nhiên, một số đại biểu chỉ rõ, số lượng các điều khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn; nhiều nội dung thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù mới được thí điểm, triển khai thực hiện trong thời gian ngắn. Vì vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng về tác động của chính sách thí điểm và nghiên cứu, rà soát thận trọng để bảo đảm tính khả thi khi Luật có hiệu lực.
Cần có cơ chế bố trí vốn hàng năm để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư
Về điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm quy định tại Điều 57 dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, để chuẩn bị tốt cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau, việc bố trí chuẩn bị đầu tư cho một số dự án lớn, trọng điểm của địa phương có kỹ thuật phức tạp, yêu cầu phải thực hiện ngay từ đầu giai đoạn triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Do đó, cần bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ những năm cuối giai đoạn trước. Để chủ động bố trí kế hoạch vốn cho các dự án thực hiện bước chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị tốt danh mục dự án có chất lượng, phù hợp thực tiễn hơn, thì cần có cơ chế bố trí vốn hàng năm để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư mà không cần đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị điều chỉnh, bổ sung khoản 2 Điều 57 theo hướng: chương trình dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án đầu tư công khẩn cấp và nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho dự án dự kiến đưa vào thực hiện trong giai đoạn sau.
Trong quá trình triển khai, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, tại địa phương có một số dự án thuộc giai đoạn trước đã được HĐND tỉnh cho chủ trương đầu tư nhưng chưa được quyết định đầu tư hoặc đã được bố trí chuẩn bị đầu tư, phê duyệt đầu tư.
Tuy nhiên, do thay đổi chính sách, cơ chế, mục tiêu phát triển nên việc triển khai các dự án không còn phù hợp trong giai đoạn mới.
Để quyết toán các công trình như trên, theo quy định về quyết toán công trình quy định phải được cấp có thẩm quyền cho chủ trương dừng dự án. Nhưng trong Luật Đầu tư công chưa có quy định, hướng dẫn về quy trình, thẩm quyền nhiệm vụ cụ thể về việc dừng các dự án.
Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bổ sung nội dung quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền, quy trình dừng dự án cụ thể cho các trường hợp.
Một là được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt đầu tư.
Hai là, được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư, hoặc đang triển khai dang dở.