Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp góp ý Chuyên đề về hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 17:48 - Chia sẻ
Chiều 15.10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Tiểu ban số 03 của Đảng đoàn Quốc hội - đã chủ trì phiên họp góp ý dự thảo Chuyên đề số 12 về hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tham dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển...

Báo cáo về việc tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Chuyên đề số 12, ông Nguyễn Văn Hiển cho biết, Tiểu ban số 03 được Đảng đoàn Quốc hội thành lập để thực hiện xây dựng Chuyên đề số 12 về hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Triển khai thực hiện Chuyên đề số 12, Tiểu ban 03 và Viện Nghiên cứu lập pháp – cơ quan thường trực của Tiểu ban - đã xây dựng dự thảo Chuyên đề, xin ý kiến thành viên Tiểu ban, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và tiếp thu, hoàn thiện dự thảo để xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội. Tính đến ngày 8.10 vừa qua, Tiểu ban đã nhận được 13/18 ý kiến góp ý của thành viên Đảng đoàn Quốc hội; ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; 11 chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến đều tán thành việc hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ bản nhất trí với nội dung Chuyên đề số 12 và các tài liệu kèm theo.

Thành viên Tiểu ban số 03 góp ý cho dự thảo Chuyên đề số 12

Tại phiên họp, thành viên Tiểu ban số 03 đánh giá cao Tổ biên tập, cơ quan thường trực đã chủ động xây dựng dự thảo Chuyên đề công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính lý luận, khoa học và thực tiễn. Một số ý kiến cũng đề nghị cần xây dựng mỗi phần, mục của dự thảo Chuyên đề theo hướng: liệt kê quy định pháp luật điều chỉnh liên quan, đánh giá tính hợp lý và bất cập, hạn chế của cơ chế tổ chức, phương thức vận hành, cũng như quy định pháp luật điều chỉnh. Cùng với đó, cần lý giải cụ thể hơn về lý do lựa chọn các phương án thay đổi mô hình cơ quan bảo vệ Hiến pháp trong giai đoạn từ năm 2021 – 2030 và giai đoạn từ năm 2030 – 2045. 

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận tinh thần trách nhiệm, các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của thành viên Tiểu ban 03; đề nghị, Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp thu ý kiến của các thành viên Tiểu ban để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chuyên đề, trong đó, cần làm rõ điểm mới của Chuyên đề số 12  như việc hệ thống hóa các công trình nghiên cứu, phân tích điểm khác biệt của từng công trình nghiên cứu về chủ đề này, qua đó làm rõ cơ chế bảo vệ Hiến pháp, nhận thức chung, lý luận chung về cơ chế này ở nước ta; thực trạng hoạt động; các thành tố tham gia và quy định điều chỉnh cụ thể về các thành tố; bối cảnh, tình hình, dự báo mới; đề xuất giải pháp cho hai giai đoạn 2021 – 2030 và giai đoạn 2030 - 2045...

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tiếp thu các ý kiến của thành viên Tiểu ban số 3 về kỹ thuật trình bày dự thảo Chuyên đề để bảo đảm tính lý luận và tính thực tiễn cao hơn. Theo đó, Phần mở đầu của dự thảo Chuyên đề cần nêu rõ sự cần thiết xây dựng, kết cấu, quá trình nghiên cứu, mục đích, yêu cầu, phương pháp thực hiện... Phần lý luận, cơ sở chính trị cần đối chiếu kế hoạch, "đặt hàng" của Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” để sử dụng thuật ngữ phù hợp; có tính kết nối với các phần khác, nhất là kết nối giữa mô hình thế giới và khả năng áp dụng ở Việt Nam. Đối với phần về thực trạng cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cần phản ánh chính xác sự vận hành cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện nay. Đối với phần đề xuất các phương án, Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất cần làm rõ hơn nữa ưu điểm, nhược điểm của từng phương án; đánh giá kỹ hơn tác động của mỗi phương án. 

Lê Bình