Cũng trong sáng nay, 3 tổ công tác khác của Đoàn giám sát đã làm việc với các cơ quan, đơn vị của TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, Tổ công tác do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh dẫn đầu đã làm việc với Sở Y tế thành phố; Tổ công tác do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường dẫn đầu đã làm việc với UBND Quận 5; Tổ công tác do Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình dẫn đầu đã làm việc với UBND Quận 10.
Tại huyện Nhà Bè, báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Đoàn giám sát, lãnh đạo huyện cho biết, huyện phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 27.5.2021 tại Thị trấn Nhà Bè. Trong 15 ngày tiếp theo, dịch bùng phát tại các xã Phú Xuân, Nhơn Đức, Hiệp Phước, Phước Kiển…. Để đối phó kịp thời với đại dịch, UBND huyện Nhà Bè đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch đến các cơ quan, đơn vị, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả.
Đến ngày 15.9.2021, huyện Nhà Bè được công nhận đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid - 19. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục duy trì, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Huyện đạt được tỷ lệ 94,32% về bao phủ vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng. Số ca mắc bệnh giảm thấp, không xảy ra trường hợp chuyển nặng hoặc tử vong. Tất cả các xã, thị trấn đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP, Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ.
Trong quá trình phòng, chống dịch Covid - 19 trên địa bàn huyện, bên cạnh việc hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã có nhiều mô hình được triển khai hiệu quả như: “Siêu thị 2K”; “Shipper xanh”; "San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch”; “Vận động xây dựng nhà trọ 0 đồng”…. nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với Nhân dân, người thu nhập thấp, người già neo đơn bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo huyện Nhà Bè cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như: hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng đáp ứng nhiệm vụ thông thường nhưng không thể ứng phó được với đại dịch như Covid-19. Giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện chưa hợp lý đã ảnh hưởng tới công tác tài chính của các bệnh viện. Do áp lực cao trong công việc, thời gian dài phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao, quá tải công việc… nên một số cán bộ, nhân viên y tế đã xin nghỉ việc, gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực y tế.
UBND huyện Nhà Bè kiến nghị, để tăng cường mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, phải đổi mới phương thức tài chính như: đổi mới toàn diện cơ chế đầu tư tài chính cho mạng lưới y tế cơ sở; đổi mới phương thức chi trả cho mạng lưới y tế cơ sở, gắn chi trả với kết quả đầu ra và hiệu lực hoạt động.
Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế và phương thức hoạt động của Trạm y tế xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong dự phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiếp tục sắp xếp đổi mới cơ chế, mô hình hoạt động các Trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá việc huy động, quản lý nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Nhà Bè đã được thực hiện tốt, nhất là việc huy động nguồn lực tổng hợp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thực tế đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị huyện Nhà Bè bổ sung hoàn thiện báo cáo đầy đủ hơn theo yêu cầu của Đoàn giám sát; bảo đảm số liệu chính xác, đầy đủ, toàn diện. Các kiến nghị của huyện sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trao quà tặng lực lượng y tế huyện Nhà Bè.