Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; Thường trực Ủy ban Pháp luật; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Viện Nghiên cứu lập pháp và một số cơ quan liên quan.
Báo cáo tóm tắt một số nội dung cơ bản của dự thảo Báo cáo nghiên cứu Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự thảo Báo cáo được xây dựng lấy trọng tâm là nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện các nội dung có liên quan.
Dự thảo Báo cáo có kết cấu gồm 4 phần: Phần mở đầu khái quát chung sự cần thiết, căn cứ, mục đích, yêu cầu, phạm vi và quá trình tổ chức xây dựng Đề án. Phần thứ nhất đánh giá thực trạng quy trình xây dựng pháp luật hiện hành. Phần thứ hai đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Phần thứ ba đưa ra các kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền và phân công trách nhiệm thực hiện Đề án.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu cơ bản nhất trí với kết cấu và nội dung của dự thảo Báo cáo; đồng thời, cho ý kiến về các văn bản triển khai Đề án, phạm vi xây dựng Đề án, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Đề án được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có yêu cầu đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Vì vậy, nội dung Đề án tập trung vào việc đổi mới quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật.
Cơ bản thống nhất với cách thức tiếp cận, nghiên cứu và thống nhất với kết cấu của dự thảo Báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phạm vi xây dựng Đề án phải có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải, cần tập trung vào quy trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ. Ngoài ra, đối với các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành pháp luật cần rà soát kỹ lưỡng, lượng hóa tối đa; cách thức thể hiện phải có sự kết nối giữa đánh giá thực trạng quy trình xây dựng pháp luật hiện hành với giải pháp đổi mới, hoàn thiện; bảo đảm các kiến nghị nêu ra có tính khả thi, hiệu quả cao.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định biểu dương Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, bước đầu xây dựng dự thảo Báo cáo cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra. Qua đó, đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu Đề án; gửi xin ý kiến các cơ quan và các Đoàn đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan góp ý trực tiếp về dự thảo Đề án.