Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay các vấn đề chuyển đổi rất nhanh, nếu quy định chi tiết quá thì sẽ rất vướng. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là dự luật đầu tiên đánh dấu tư tưởng, tư duy đổi mới, tức là trong luật chỉ quy định những vấn đề lớn, còn lại giao Chính phủ và cấp có thẩm quyền phù hợp quy định. Đơn cử, trong luật chỉ quy định quân quân hàm từ Thượng tướng trở lên, từ hàm Trung tướng trở xuống giao cho Quân ủy Trung ương và Chính phủ quy định.
Liên quan đến các chức danh của sĩ quan quân đội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát 17 chức danh tương đương để tránh bỏ sót; các quy định trong luật nên thống nhất một thời điểm có hiệu lực thi hành; quy định về nhà ở xã hội đối với lực lượng vũ trang về nguyên tắc là Bộ Quốc phòng quy định nhưng phải bảo đảm phù hợp với các luật liên quan như: Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại tổng thể các quy định trong dự thảo Luật để thể hiện cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi.
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đề nghị, cần rà soát kỹ lưỡng toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm cả các dự án luật đang trình Quốc hội cho ý kiến.
Dự thảo Luật hiện đang quy định Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về sĩ quan; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện việc quản lý nhà nước về sĩ quan; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị rà soát và cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm thống nhất với các luật khác. Ví dụ, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2024, do đó, chưa có cơ sở để khẳng định việc áp dụng Điều 102 của Luật Nhà ở (sửa đổi) về vai trò, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và UBND cấp tỉnh trong công tác lập quy hoạch, phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái khi kết thúc nhiệm kỳ biệt phái và khi họ nghỉ hưu.
Quan tâm tới quy định tại khoản 1, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cơ bản thống nhất với 17 chức vụ cơ bản và chức danh tương đương của sĩ quan QĐND Việt Nam quy định trong dự thảo Luật. Nhấn mạnh, đây là nội dung sửa đổi quan trọng đối với hệ thống chức vụ cơ bản, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện để quy định chặt chẽ, bảo đảm khắc phục được những bất cập của thực tiễn thời gian qua.
Về độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, các đại biểu bày tỏ thống nhất quy định theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan QĐND Việt Nam các mức khác nhau, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Một số đại biểu lưu ý, cần đánh giá tác động của việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với Quỹ tử tuất và Quỹ bảo hiểm xã hội.