Cùng dự về phía tỉnh Quảng Nam có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết; Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng; Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng; Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Lê Trí Thành; các Phó Chủ tịch HĐND Trần Xuân Vinh, Nguyễn Công Thanh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện có 14/17 chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế phục hồi tích cực và tăng trưởng so với năm 2023. Quy mô kinh tế gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16,5 nghìn tỷ đồng so với năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 2024 ước tính tăng 7,2%, gần đạt kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt dự toán (dự kiến đạt 110,2% dự toán). Hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc.
Công nghiệp có sự phục hồi mạnh mẽ, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giữ mức tăng trưởng ổn định. Công tác khắc phục, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, sản xuất tại các khu vực bị thiệt hại do lũ, lụt được triển khai kịp thời. An sinh xã hội được chăm lo, thực hiện tốt, đời sống nhân dân được cải thiện.
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo được quan tâm với kết quả nổi bật; các công trình, dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế, tu bổ tôn tạo di tích văn hoá, nghĩa trang liệt sĩ được quan tâm đầu tư. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.
Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã thông tin đến các đại biểu HĐND tỉnh về những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV như: công tác nhân sự, xây dựng pháp luật, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024 và dự kiến cho 2025; thành công của kỳ họp là bài học kinh nghiệm để HĐND áp dụng phù hợp, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của mình.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam để đạt được như kết quả nổi bật nêu trên. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của HĐND và đại biểu HĐND các cấp của tỉnh.
Năm 2024 đã có 8 kỳ họp của HĐND tỉnh được tổ chức thành công, ban hành 83 Nghị quyết (trong đó có 29 Nghị quyết quy phạm pháp luật, 54 nghị quyết cá biệt) để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn của địa phương; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và tiếp xúc cử tri; công tác giám sát tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức.
Cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh đã nêu trong báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam tập trung, quyết liệt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án với những nội dung thiết thực, cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, có lộ trình phấn đấu thực hiện để tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh.
Thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp lại đơn vị hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Bám sát quyết tâm và chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy để hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận; quan tâm thực hiện chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ đối với người đương chức, người nghỉ hưu và người trong diện sắp xếp…
Tháo gỡ tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, vùng còn nhiều khó khăn hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh đồng đều, toàn diện và bền vững. Ưu tiên bố trí nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chú ý đến các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển, các công trình cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, cơ chế hỗ trợ và giải quyết các nội dung liên quan đến chương trình hỗ trợ ngư dân. Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, đảm bảo công tác an sinh, xã hội; quan tâm, chăm lo đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số…
Đại biểu HĐND cũng cần gần dân, sát dân hơn để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, thực hiện tốt vai trò người đại biểu dân cử. Thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn.
Các cấp ủy đảng, Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, giám sát về kết quả, chất lượng giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri. Chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, chú trọng giải quyết ngọn nguồn, hiệu quả, kịp thời các ý kiến, kiến nghị, đơn, thư của cử tri, người dân.
Tháo gỡ các nút thắt về đất đai, giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng, kéo dài về đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư sau thu hồi đất; làm tốt công tác đại đoàn kết toàn dân để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
“Ngày 1.12.2024, Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Đề nghị tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện tốt các nội dung quán triệt của Trung ương tại Hội nghị vào thực tế của tỉnh”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.