Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về tài chính và quy hoạch đất đai" là sự kiện khoa học rất kịp thời và có ý nghĩa nhằm tiếp tục cung cấp thêm thông tin khoa học, khách quan, kinh nghiệm quốc tế trong việc hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm dự án Luật được xây dựng với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu tới đây.
Nội dung Hội thảo tập trung làm rõ kinh nghiệm của một số quốc gia châu Âu, châu Á, nhất là các nước ASEAN, về chính sách tài chính về đất đai, xác định giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hệ thống thông tin về đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai... Trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị về chính sách đối với Việt Nam và góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tham luận, góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung vào các định hướng chính sách về ưu tiên, bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất nông, lâm trường, đất quốc phòng -an ninh khu vực Tây Nguyên nhằm giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế...; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện thu hồi đất giao khoán không đầu tư từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng, miền. Có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Việc ban hành Luật sẽ có tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Dự thảo Luật đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư và lần thứ hai tại Kỳ họp thứ Năm, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu tới đây.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân (với 12.107.457 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật) và 2 lần Quốc hội cho ý kiến, về cơ bản, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa được các định hướng cơ bản trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương để xử lý những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, đây là dự luật khó, phức tạp, có tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong quá trình thảo luận và hoàn thiện, dự thảo Luật vẫn còn những nội dung nhận được các ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội và người dân. Trong đó, có các vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tài chính đất đai, định giá đất… Đây đều là những vấn đề khó, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan.
Để giải quyết các vấn đề này một cách thấu đáo, cần tiếp tục có cách tiếp cận khoa học, khách quan, toàn diện, cầu thị, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng đã được nêu ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan đến quản lý và sử dụng đất, phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng đất để đất đai trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe: Chuyên gia cao cấp về quản lý đất đai, Ngân hàng Thế giới Kathrine Kelm trình bày tổng quan về bối cảnh quốc tế và tầm nhìn của Việt Nam cần hướng đến đối với hệ thống thông tin đất đai quốc gia và hiện đại hóa định giá đất; nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ - Chuyên gia cao cấp về chính sách đất đai, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ về một số khuyến nghị đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Hội thảo cũng nghe Chuyên gia cao cấp về xã hội của Ngân hàng Thế giới David Baringo trình bày kinh nghiệm một số nước về thu hồi đất; Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực trao đổi về phương pháp định giá đất - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, kiến nghị đối với Việt Nam.
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp khẩn trương tổng hợp, chắt lọc các ý kiến gửi lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để nghiên cứu, tham khảo, góp phần phục vụ việc Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp sắp tới.