Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì làm việc với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xi măng Việt Nam
Chiều 16/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Xi măng Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc.

Đồng chủ trì cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng đoàn giám sát.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đã nêu các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm; đồng thời, các thành viên trong Đoàn đã đề nghị hai Tập đoàn làm rõ nhiều nội dung quan trọng nhằm làm rõ kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), lượng khí thải phát sinh tại các nhà máy điện khoảng 31,4 - 36 tỷ m3/năm, các nhà máy xi măng khoảng 10,7 - 12,1 tỷ m3/năm, Đoàn giám sát đề nghị làm rõ việc thực hiện kiểm kê tổng lượng khí nhà kính phát thải hàng năm.
Đặc biệt, chất thải rắn thông thường phát sinh trong hoạt động của TKV là rất lớn. Đất đá bóc từ khai thác các mỏ than khoảng 140 - 160 triệu m3/năm được đổ thải vào các bãi thải đất đá. Tro xỉ các nhà máy nhiệt điện phát sinh khoảng 2,2 - 2,6 triệu m3/năm. Do đó, việc quản lý bảo đảm an toàn môi trường các bãi thải tro xỉ, bãi thải mỏ; việc tái sử dụng hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; công tác phục hồi sau khai thác và phục hồi xanh… cần đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, theo dự thảo Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn đến 2030, định hướng đến năm 2050, sau năm 2045, sản lượng than khai thác hằng năm vẫn xấp xỉ 40 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng than cho sản xuất điện bằng 0, các ngành công nghiệp khác cũng phải chuyển đổi sang sử dụng năng lượng khác… Đây là mâu thuẫn rất lớn trong phát triển ngành than nói chung và TKV nói riêng, đề nghị TKV đề nghị làm rõ định hướng thích ứng với vấn đề này.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Tổng giám đốc TKV Vũ Anh Tuấn, cho biết, TKV hiện có 17 đơn vị khai thác than, 4 đơn vị chế biến than, 2 đơn vị kho vận than. Đồng thời, TKV đang quản lý, vận hành 49 dự án khai thác than, 13 dự án chế biến than tập trung, 20 dự án kho cảng và tuyến đường sắt, băng tải vận chuyển than.

Cùng với đó, TKV hiện có 6 nhà máy nhiệt điện, 1 nhà máy thủy điện, 3 nhà máy xi măng, 4 dự án khai thác đá vôi, sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
Ngoài ra, TKV đang vận hành và triển khai đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng công trình phục vụ điều hành sản xuất...
Hiện nay lĩnh vực than chiếm tỷ trọng 60 - 70% doanh thu hàng năm của TKV. Khi thực hiện chuyển dịch năng lượng thì sự ổn định và phát triển của Tập đoàn sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay ngoài các quy định có tính chủ trương, định hướng về chuyển đổi nhiên liệu, vẫn chưa có cơ chế chính sách và các quy định cụ thể liên quan đến chuyển đổi năng lượng. Chưa có lộ trình cụ thể và giải pháp về phúc lợi, an sinh xã hội và chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động (thợ mỏ, công nhân nhà máy điện than...).
Ngoài ra, việc sản xuất sang các dạng năng lượng trung gian ít phát thải như H2, Amoniac,… từ than sản xuất trong nước chưa được nghiên cứu và chưa có công nghệ thực hiện thương mại rộng rãi, đây sẽ là thách thức rất lớn cho TKV trong việc chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn tới.
Theo Phó Tổng giám đốc TKV Vũ Huy Nam, giai đoạn 2022 – 2024, TKV chi thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính hơn 3.700 tỷ đồng. Các công trình xử lý nước thải được các đơn vị vận hành ổn định theo lượng nước thải mỏ phát sinh trong quá trình sản xuất.

Các công trình xử lý khí thải được các đơn vị vận hành ổn định, liên tục 24/24 giờ trong suốt quá trình nhà máy hoạt động. Hệ thống quan trắc môi trường tự động nước thải, khí thải hoạt động liên tục 24/24 giờ, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường và Tập đoàn để giám sát.
Lãnh đạo TKV cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến và vấn đề các thành viên Đoàn công tác nêu tại cuộc làm việc và sớm có báo cáo giải trình đầy đủ, cụ thể bằng văn bản.

Đối với Tập đoàn Xi măng Việt Nam (VICEM), Đoàn giám sát yêu cầu cung cấp số liệu chi tiết về các dự án, cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường trong giai đoạn từ ngày 1/1/2022 đến 30/6/2025. Đồng thời, cần báo cáo rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường.
Báo cáo của VICEM hiện còn thiếu số liệu cụ thể phản ánh lượng phát thải thực tế so với mức phát thải cho phép. Đoàn giám sát đề nghị Tập đoàn bổ sung, cập nhật đầy đủ số liệu để đánh giá hiệu quả việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

Liên quan đến công tác quản lý đất đá thải mỏ tại các mỏ khai thác vật liệu xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, Đoàn giám sát đề nghị VICEM cung cấp thông tin và số liệu cụ thể về kết quả thực hiện các giải pháp tăng cường sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, như chất thải công nghiệp thông thường (rác thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo...).
Ngoài ra, VICEM cần báo cáo rõ tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, đặc biệt lưu ý làm rõ các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể đã và đang triển khai, nhất là việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường.
Đồng thời, Đoàn đề nghị VICEM cung cấp số liệu chi tiết về kết quả thực hiện các giải pháp sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế và việc kiểm kê đầy đủ, tổng thể lượng khí nhà kính phát thải hàng năm của các đơn vị trực thuộc.
Báo cáo Đoàn giám sát, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VICEM, cho biết, 100% các cơ sở sản xuất xi măng của VICEM đều được phê duyệt ĐTM và cấp giấy phép môi trường. Từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, VICEM có 20 dự án được cấp phép môi trường, các dự án đều thực hiện nghiêm việc quản lý chất thải, kiểm soát khí thải và nước thải, thực hiện quan trắc định kỳ.

100% nước sản xuất của dây chuyền sản xuất xi măng được sử dụng lại. Các giải pháp bảo vệ môi trường tiên tiến được áp dụng từ khi đầu tư dây chuyền sản xuất; các vị trí phát sinh khí thải được lắp đặt hệ thống lọc bụi và được kiểm soát chất lượng khí thải ra môi trường bằng hệ thống quan trắc online.
Các cơ sở sản xuất xi măng từng bước xử lý chất thải trong lò nung clinker và lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt điện thừa để phát điện nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải. Nhiều đơn vị chuyển đổi hệ thống lọc bụi tĩnh điện sang lọc bụi túi nhằm nâng cao hiệu suất xử lý bụi, giảm phát thải ra môi trường.
Lãnh đạo VICEM cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến và vấn đề các thành viên Đoàn công tác nêu tại cuộc làm việc và sớm có báo cáo giải trình đầy đủ, cụ thể bằng văn bản.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành đã báo cáo, làm rõ thêm các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm.

Phát biểu chỉ đạo tại các cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ghi nhận những nỗ lực đáng kể và kết quả tích cực của các Tập đoàn trong việc bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.
Bên cạnh đó, báo cáo của các Tập đoàn và ý kiến của thành viên Đoàn giám sát cũng cho thấy, các Tập đoàn vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn từ công nghệ cũ gây phát thải cao; khối lượng chất thải mỏ lớn, kiểm soát ô nhiễm bụi và nước thải mỏ chưa triệt để, và đặc biệt là công tác phục hồi môi trường sau khai thác chưa thực sự đồng bộ và đạt hiệu quả như mong muốn; việc xử lý tro xỉ, quản lý phát thải khí nhà kính và đòi hỏi về nguồn lực đầu tư;… Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn rủi ro, gây cản trở cho sự phát triển bền vững của các Tập đoàn.
Do đó, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Tập đoàn phải xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là yếu tố sống còn cho sự phát triển. Cùng với đó, chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nội bộ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 và các văn bản hướng dẫn; nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, giảm phát thải và tiết kiệm tài nguyên, đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng xanh; nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường…

Phát biểu kết luận cuộc việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, đề nghị các Tập đoàn trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đoàn, tiếp tục rà soát, hoàn thiện báo cáo, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, nội dung, thể thức; gửi báo cáo bổ sung đến Đoàn trước ngày 25/7/2025.
Đồng thời, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng trong phạm vi lĩnh vực quản lý nghiên cứu các nội dung kiến nghị của các Tập đoàn để rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về các nội dung kiến nghị, đề xuất liên quan đến rà soát, xử lý khó khăn vướng mắc do quy định của Luật, Nghị định, Thông tư, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết theo thẩm quyền.