Hội nghị nhằm phổ biến những nội dung mới về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16.6.2022. Đồng thời, phổ biến, khai thác và cung cấp thêm thông tin cho các bên liên quan trong thực thi Luật Sở hữu trí tuệ và Hiệp ước Marrakesh về giới hạn và ngoại lệ dành cho người khuyết tật.
Theo Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh: “Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh việc tập trung rà soát, hoàn thiện văn bản hệ thống văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự thay đổi của các điều kiện kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh một số hoạt động như: công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi; thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm, ứng dụng công nghệ thông tin phát hiện xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan để bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan”.
Bà Oanh cho biết, bảo hộ quyền tác giả là một việc làm cần thiết và ngày càng được quan tâm, chú trọng. “Việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia. Để có được kết quả này, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên”.
Việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh sẽ là một dấu mốc lớn, tạo sự cân bằng hợp lý giữa bảo vệ quyền tác giả và bảo vệ lợi ích chung của người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và những người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường. Đồng thời, mở ra cơ hội bảo đảm cho những người khuyết tật tại Việt Nam có thể thực hiện được quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất.
Theo đại diện Vụ thư viện, tổng số tài nguyên thông tin dành cho người khuyết tật ở nước ta là hơn 30.000 đơn vị tài liệu, trong đó: sách nói 12.758 tài liệu, tài liệu nổi 5.776 tài liệu và 13.219 băng, đĩa CD. Thực trạng về số lượng sách, báo, tài liệu để người khuyết tật dạng nhìn có thể tiếp cận vẫn còn rất hạn chế, việc chuyển đổi các đầu sách thông thường sang định dạng dễ tiếp cận cũng gặp khó khăn, quy định về việc cho phép chia sẻ không có nên gây lãng phí. Vì thế, ivệc phối hợp giữa các bên liên quan để tìm ra giải pháp là vô cùng cần thiết, giúp người khuyết tật có thêm cơ hội tiếp cận thông tin từ sách như người bình thường.
Tại hội nghị, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman khẳng định, sách trên thế giới rất nhiều, người khuyết tật nhìn có quyền được tiếp cận những điều đó. Vì thế, chúng ta cần phối hợp giúp cho người khuyết tật tiếp cận được với sách, đọc và hiểu biết thêm, trải nghiệm việc đọc sách giống như người bình thường.