Phim Việt: nhanh - nhiều - nhạt

- Thứ Bảy, 07/12/2013, 08:48 - Chia sẻ
Sự ra đời ngày càng nhiều các hãng phim tư nhân đã thúc đẩy ngành điện ảnh nước ta phát triển năng động hơn. Tuy nhiên, so với khu vực Đông Nam Á, chất lượng phim nước ta vẫn tụt hậu đáng kể và đang loay hoay trong sự cạnh tranh khốc liệt của các nền điện ảnh nước ngoài với những dòng phim đa dạng, hấp dẫn.

Vì sao phim Việt yếu thế?

Những năm gần đây, mặc dù đã phần nào xâm nhập được vào hệ thống các rạp chiếu lớn, nhưng phim Việt Nam vẫn đứng trước những khó khăn lớn khi phải chiến đấu với hàng loạt phim nhập khẩu hấp dẫn hơn cả về mặt nội dung lẫn cách thể hiện. Cuộc chiến không cân sức giữa phim nội và phim ngoại vẫn âm thầm diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại các rạp chiếu phim. Số phim nhập khẩu hiện cao gấp nhiều lần số phim sản xuất trong nước. Thị trường chiếu phim gần như là lãnh địa riêng của các công ty phát hành và kinh doanh rạp chiếu liên kết với nước ngoài. Phim ngoại tràn ngập với lượng phim ra rạp mỗi năm gấp cả chục lần phim nội. Phim nội vốn đã rất èo uột lại càng bị chèn ép. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia - cho biết, mỗi năm hội đồng duyệt và cho nhập trên 100 phim ngoại nhưng chỉ có hơn 10 phim Việt ra rạp. Mặc dù nước ta hiện có trên 200 doanh nghiệp sản xuất phim nhưng các hãng tư nhân chủ yếu làm phim hài với chất lượng không cao. Thị trường với hơn 90 triệu dân đang bị bỏ ngỏ bởi phim Việt chưa đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người Việt.

Có lẽ, lý do lớn nhất dẫn đến sự thất thế của phim Việt là thiếu trầm trọng các kịch bản hay, các nhà sản xuất phim, đạo diễn ít chịu khó tìm tòi, đào sâu, khai phá những đề tài mới, gắn với hiện thực xã hội, với sự phát triển KT - XH của đất nước. Sự thiếu vắng các kịch bản hay đã dẫn đến tình trạng phải nhập khẩu kịch bản từ các nền điện ảnh tiên tiến như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... hoặc mua bản quyền của những bộ phim truyền hình ăn khách ở nước ngoài nhưng không phù hợp, chưa thuần Việt, có phim khi công chiếu gặp phải sự phản ứng dữ dội của công chúng, phải ngưng phát giữa chừng.

Sự xuất hiện quá nhiều của các diễn viên tay ngang không được đào tạo chuyên môn cũng đang trở thành bài toán nhức nhối trong lĩnh vực điện ảnh. Sự xuất hiện của các gương mặt từ nhiều lĩnh vực khác như người mẫu, ca nhạc, MC… với mục đích thu hút khán giả cũng làm chất lượng diễn xuất đi xuống. Do không được đào tạo chuyên sâu về cả lý thuyết và thực hành cũng như các đòi hỏi khách quan của nghề nghiệp nên họ diễn xuất theo bản năng. Vì lẽ này mà diễn xuất vô hồn, khô cứng, thiếu nhuần nhuyễn tự nhiên, càng đóng phim càng gồng và giả, không cá tính sáng tạo…  Tình trạng phổ biến nhất đó là càng ngày càng nhiều hãng sản xuất phim theo kiểu mỳ ăn liền ra đời, sản xuất theo kiểu nhanh - nhiều - nhạt, trung bình một tập phim chỉ quay trong vài ngày. Họ chỉ cần có phim để lên sóng, càng dài càng tốt, thu hút được nhiều người xem để tận thu doanh số quảng cáo còn chất lượng thì chưa được quan tâm đúng mức. Phim kinh dị thì như phim hài với ý tưởng nghèo nàn. Phim hành động thì gần như không có cốt mà chỉ có hành động phi lý, không phù hợp với văn hóa Việt.

Chưa tìm được lối ra

Tỷ lệ phim nước ngoài chiếu rạp đang áp đảo phim Việt với gần 80%. Câu hỏi đặt ra với các nhà quản lý liệu có phải khán giả đang quay lưng lại với nền điện ảnh nước nhà? Nhiều người cho rằng, việc phim nội thất thu ngay trên sân nhà không chỉ do chất lượng phim kém mà còn do các nhà làm phim không có hoặc chưa có chiến lược quảng bá thích hợp. Nhiều phim tuy ra mắt rầm rộ nhưng nội dung lại nhạt nhẽo, còn những phim có nội dung khá chất lượng thì lại ra mắt không kèn không trống, có phim chiếu một, hai buổi rồi cất vào kho. Trong khi đó, những phim ngoại đều là sản phẩm mới, đã ăn khách ở nhiều nước, khi đến nước ta lại được quảng bá rầm rộ thêm lần nữa bằng nhiều chiêu hấp dẫn khiến khán giả ùn ùn kéo tới rạp.

Khán giả Việt Nam giờ đây đã có nhiều điều kiện tiếp cận với những tác phẩm điện ảnh mới nhất của nước ngoài tại các rạp, vô cùng phong phú và hấp dẫn. Phim Việt, với nguồn kinh phí ít ỏi buộc phải bước vào một cuộc chiến giành giật khán giả không cân sức với những bộ phim được đầu tư cả trăm triệu đô la với sự tham gia của những ngôi sao lớn nhất thế giới.

Để tìm đầu ra cho phim Việt Nam trong tình hình khó khăn như hiện nay, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VH, TT và DL Ngô Phương Lan cho rằng, với cơ chế như hiện nay của chúng ta việc phát hành phim Việt là vô cùng khó khăn. Có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu học cách bảo hộ cho phim nội như Trung Quốc. Mỗi năm họ chỉ cho phép nhập từ 40 - 60 phim nước ngoài. Khi phim trong nước của họ ra rạp, tất cả các hệ thống phát hành phim nước ngoài đều phải dừng lại. Đặc biệt, nếu như ở nước ta, việc khán giả được xem những bộ phim mới nhất của Mỹ cùng ngày khởi chiếu với thế giới thì tại Trung Quốc, khán giả nước này đã quen với việc được xem phim chậm hơn hàng tháng so với khán giả thế giới.

Tuy nhiên, nếu hạn chế phim nhập ngoại trong tình cảnh phim Việt mỗi năm chỉ vỏn vẹn hơn chục phim mà đa số chất lượng không cao thì rõ ràng là không thoả đáng. Do đó, muốn phát triển điện ảnh thì việc nhanh chóng đổi mới, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo thế hệ đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật viên, quay phim… có chất lượng là điều vô cùng quan trọng. Mặt khác, cần có chiến lược cụ thể hữu hiệu mở rộng thị trường ra nước ngoài như một số nước đã làm, không nên bị động tùy thời và buông trôi, để tư nhân vất vả chèo chống.

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, cần phải tìm mô hình thích hợp cho điện ảnh trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, trong cuộc chấn hưng của điện ảnh này không cần bắt chước nước ngoài, là họ có cái gì tiên tiến chúng ta cũng phải có. Hiện kỹ thuật số và điện ảnh đang xích lại gần với nhau, có đến 80% phim truyền hình ngày nay giống như điện ảnh, chỉ có điều điện ảnh chất lượng cao hơn. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế để 2 thể loại này bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Những gì nhà nước đầu tư cho truyền hình mà sử dụng được cho điện ảnh ví dụ như trường quay, trang thiết bị hậu kỳ… thì nên sử dụng chung, không nên đầu tư tràn lan.

Anh Thơ