Phim từ tiểu thuyết của Dostoyevsky

Đăng Bảy 28/06/2010 00:00

Tiểu thuyết của Dostoyevsky thường xuyên là chất liệu cho nghệ thuật điện ảnh trên khắp thế giới.

Phim từ tiểu thuyết của Dostoyevsky ảnh 1

Nhiều phiên bản Thằng ngốc

Thằng ngốc từng được nhà điện ảnh Nga Pyotr Chardynin đưa lên màn bạc từ năm 1910. Đến năm 1946 xuất hiện bộ phim của đạo diễn Pháp Georges Lampin. Năm 1951, đạo diễn lỗi lạc người Nhật Akira Kurosawa (1910-1998) sau khi hoàn thành Scandal, bộ phim đầu tiên ở xưởng Shochiku, liền chuyển lên màn ảnh tiểu thuyết Thằng ngốc. Theo dự định, phim này sẽ gồm 2 tập, dài 265 phút chiếu, nhưng sau khi quay xong, xưởng phim thấy nó quá dài và buộc đạo diễn phải cắt cúp lại còn 166 phút chiếu. Sau này, Akira Kurosawa kể: “Tôi muốn làm phim Thằng ngốc từ khá lâu trước khi làm phim Rashomon (được giải Sư tử Vàng tại Venice). Ngay từ thiếu thời, tôi đã rất yêu văn học Nga và tôi hiểu Dostoyevsky là nhất hạng. Tôi đã ngẫm nghĩ nhiều để tìm cách làm một bộ phim trứ danh từ cuốn tiểu thuyết đó. Dostoyevsky mãi mãi là nhà văn ưa thích của tôi, tôi coi ông là nhà văn duy nhất biết viết một cách chân thực về sự tồn tại của con người”.

Năm 1958, phần đầu của tiểu thuyết Thằng ngốc được Ivan Pyriev dựng thành phim với cặp diễn viên xuất sắc Yulia Borisova và Yuri Yakovlev – khi đó đang là ngôi sao trẻ của sân khấu và điện ảnh Xô Viết – đã truyền đạt những nét tâm lý tinh tế và phức tạp trong một tấn kịch căng thẳng. Phim được bình chọn là hay nhất năm 1958, thu hút 31 triệu lượt người xem.

Năm 1966, đạo diễn Anh Alan Bridges dựng thành một bộ phim truyện truyền hình nhiều tập, rồi đúng một phần tư thế kỷ sau (1991) trên màn ảnh nhỏ của Ấn Độ công chiếu bộ phim của đạo diễn Mani Kaul.

Năm 1986, đạo diễn Ba Lan Andrzej uawski sản xuất tại Pháp bộ phim dưới một nhan đề khác: Tình yêu tinh nghịch với những diễn viên nổi tiếng Sophie Marceau, Francis Huster...

Gần đây nhất, năm 2001, ở thời “mở cửa”, đạo diễn Nga Roman Kachanov làm phim này dưới một nhan đề đậm chất Anh-Mỹ: Daun Haus (tên phim xuất phát từ một cách chơi chữ: Daun nghĩa là người thiểu năng + Haus một loại nhạc nhảy) với diễn viên trẻ thuộc dòng dõi “đại gia” Fyodor Bondarchuk. Và hai năm sau (2003), đạo diễn Vladimir Bortko làm lại Thằng ngốc, với dàn diễn viên Evgheny Mironov, Lidia Velezheva, Vladimir Mashkov... Đạo diễn Bortko được khen là đã làm được tác phẩm đầu tiên của điện ảnh thế giới với “cố gắng chuyển tải tối đa các phẩm chất của nguyên bản văn học lên màn ảnh”.

Đặt tên theo nhân vật

Những kẻ tủi nhục là cuốn tiểu thuyết có cốt truyện rất li kỳ được kể bởi một nhà văn mới vào nghề, tên là Ivan, và làm con nuôi trong gia đình nữ nhân vật chính. ấËy là cô Natasha, có cha từng làm quản trị cho nhà hoàng thân Valkovsky, nhưng bị chủ nhà vô cớ vu tội ăn cắp và đâm đơn kiện. Trong bối cảnh Saint Petersburg thời ấy, nén bạc đã đâm toạc tờ giấy, người cha chất phác thua kiện, buộc phải nộp tiền bồi thường 10.000 rub, khiến gia đình lâm vào cảnh cực kỳ túng bấn. Trớ trêu thay, Aliosha – con trai của hoàng thân Valkovsky lại chân thành yêu Natasha, trong khi người cha rất muốn ép anh cưới Katia - con gái một thương gia giàu có để ẵm về số của hồi môn cỡ 3 triệu rub. Cả hai người cha thù địch đều chẳng ai muốn trở thành thông gia của nhau và ra sức cấm đoán tình yêu của con mình. Aliosha buộc phải thuê nhà ra ở riêng – tại một căn hộ trước đó từng có một ông già thuê rồi qua đời, nay xuất hiện một cô bé 12 tuổi, ăn mặc rách rưới đến tìm ông. Khi ấy, anh chàng nhà văn tuy biết mình đã thầm yêu Natasha tự bao giờ, nhưng vẫn ra sức giúp cô đến gặp tình nhân và trở thành chứng nhân của nhiều chuyện… Nhà văn trẻ để ý theo dõi cô bé này, biết đây là một đứa trẻ mồ côi, sau khi mẹ chết đã đến tá túc tại nhà mụ Bubnova, chủ nhân tòa nhà lớn có căn hộ Aliosha mới thuê. Mụ chủ nhà thường xuyên chửi rủa, đánh đập cô bé, và khi nhà văn trẻ có ý định can thiệp đã sai lao công xua đuổi anh. Ra đường, nhà văn trẻ gặp một người quen cũ hiện đang làm thám tử tư nên biết được chân tướng của mụ chủ nhà: mụ chứa chấp cô bé với ý định đen tối, chờ cô lớn lên sẽ đem bán. Hai người quay lại nhà Bubnova giữa lúc có khách hàng đang mặc cả mua cô bé, nhà thám tử có đầy đủ chứng cứ đã giữ tên khách nọ. Còn Ivan thì đưa cô bé về ở với mình và được biết: bé thường được gọi là Lena, nhưng tên thật là Nelly và bị bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ bảo không sống được lâu nữa. Qua người bạn thám tử, nhà văn còn biết được chân tướng của vị hoàng thân: cách đây mười mấy năm, lão đã quyến rũ được cô con gái của một thương gia và dụ cô này đánh cắp nhiều giấy tờ quý giá của cha để tuồn cho lão. Khi sự việc bại lộ, lão kiếm cớ bỏ rơi cô này với cái thai trong bụng.

Một hôm, hoàng thân đường đột đến thăm Aliosha và Natasha, tuyên bố cho phép hai người lấy nhau – đây thực ra là một động tác giả. Vài hôm sau, lão đích thân mời Ivan đi ăn tại một nhà hàng sang trọng và không ngại ngần bộc lộ chân tướng của một con người nham hiểm, lão công khai dè bỉu tình cảm thiêng liêng của con mình và công khai tuyên bố rằng, nếu Ivan chịu cưới Natasha thì lão sẽ cho một khoản tiền lớn. Sau đó lão còn bắt buộc con trai phải tháp tùng Katia trong một chuyến thăm quê dài ngày. Đến đây, Natasha biết là Aliosha đã lung lay và nghiêng lòng về phía Katia… Vừa bị cha hắt hủi, vừa mất người yêu, cô lâm vào một tình trạng cực kỳ bi đát, nhưng may có Nelly: cô bé này đã thuyết phục người cha tha thứ cho cô con gái tội nghiệp.

Cuối phim, Nelly không chống nổi bệnh tật, nhưng trước khi chết, em còn kịp trăng trối rằng: hãy chuyển đến hoàng thân Valkovsky tin dữ: con gái của ông ta đã chết và cô không bao giờ tha thứ cho lão.

Những kẻ tủi nhục được dựng thành phim lần đầu tiên tại Italy, tác phẩm của đạo diễn Vittorio Cottafavi công chiếu trên truyền hình vào năm 1958, và 19 năm sau (1977), đạo diễn Mexico Raúl Araiza làm thành bộ phim truyền hình nhiều tập.

Ở Nga hiện thời mới có một bộ phim truyện nhựa do NSND Liên Xô Andrei Eshpay đạo diễn, hoàn thành năm 1990, được công chiếu cuối năm 1991. Tác phẩm điện ảnh này là kết quả sự hợp tác giữa Liên Xô với Thụy Sĩ, do nhà làm phim người gốc Ai Cập Ibrahim Moussa đầu tư để cho vợ yêu của mình là ngôi sao điện ảnh Đức Nastassja Kinski sắm vai nữ chính.

Gia đình Kinski vốn có truyền thống đặt tên con theo tên các nhân vật của Dostoyevsky: khi cô ra đời, được người cha, cũng là một diễn viên, chọn tên một nhân vật nữ trong tiểu thuyết Thằng ngốc, và khi sinh con trai đầu lòng với Ibrahim Moussa, cô lấy tên Aliosha, nhân vật chính trong Những kẻ tủi nhục đặt cho con trai. Đóng phim Những kẻ tủi nhục, Nastassja Kinski nói tiếng Anh, sau đó có diễn viên khác lồng tiếng Nga.

Đạo diễn Andrei Eshpay còn sử dụng một dàn diễn viên nổi tiếng cho Những kẻ tủi nhục: Nikita Mikhalkov vào vai hoàng thân Valkovsky, Viktor Rkov vai Aliosha và Sergei Perelyghin vai nhà văn trẻ Ivan.

Dây dưa với đỏ đen

Con bạc được xuất bản vào năm 1866 và có một xuất xứ khá li kỳ. Năm 1863, Dostoyevsky đến nghỉ tại Baden-Baden (Đức) và tại đó, chỉ trong vài ba hôm, nhà văn đã nướng sạch vào cuộc đỏ đen, cả tiền bạc của mình và cả tư trang của người bạn gái Polina Suslova. Để trả nợ, nhà văn bèn ký hợp đồng với nhà xuất bản, cam kết sẽ viết xong thật nhanh tiểu thuyết Con bạc.

Một viên tướng Nga đưa hai đứa con nhỏ của mình và cô bảo mẫu Polina đến nghỉ ở Baden-Baden, một nơi vắng vẻ và yên tĩnh, có thể nhãng quên mọi chuyện phiền phức thường nhật. Cùng đi còn có một anh gia sư Alexei Ivanovich, người được coi là “chúa lỉnh”, lúc nào cũng mặt lạnh như tiền, nhưng lại phải lòng cô bảo mẫu Polina. Giữa lúc đó, tại Baden-Baden cũng đang có mặt một tốp người Nga đến lo công việc, một doanh nhân Pháp vốn là chủ nợ của viên tướng Nga và hai mẹ con một cô gái bao người Pháp. Ở đây người nào cũng có máu đỏ đen, chúi mũi vào sòng bạc mong vớ bẫm. Viên tướng Nga được thừa hưởng gia sản của một người bà con quá cố ở Moskva nên cũng sẵn tiền, nhưng rốt cuộc ông ta bị cô gái bao vặt sạch. Anh gia sư Alexei Ivanovich mới ngộ ra rằng mình đã sa vào thế giới kim tiền, duy chỉ có đồng tiền ngự trị, và nó sẽ quyết định tất cả, do đó, muốn chiếm được trái tim nàng Polina, phải có rất nhiều tiền. Anh ta cũng lao vào cuộc đỏ đen và may mắn thắng được một khoản tiền rất lớn. Ôm khối tiền ấy đến gặp Polina, anh gia sư si tình tưởng bở, nhưng hóa ra nàng đã không thèm đếm xỉa đến tiền, lại còn từ chối thẳng thừng lời tỏ tình của anh ta. Bất ngờ và bi phẫn, chàng gia sư tự kết liễu đời mình…

Đề tài của tiểu thuyết Con bạc – sức cám dỗ quỷ quái của “bác thằng bần” – âu cũng là vấn nạn chung của toàn nhân loại. Đáng chú ý là qua đó, tác giả bộc lộ mối quan hệ phức tạp đến mức phải đau đớn vật vã giữa nhân vật nam chính với nhân vật nữ Polina Alexandrovna. Không gì khác, Con bạc phản ánh tình cảm và thái độ tác giả đối với nguyên mẫu nhân vật nữ - Polina Suslova. Trong quá trình sáng tác cuốn tiểu thuyết này, nhà văn đã gần gũi với nữ nhân viên tốc ký Anna Snitkina và lấy cô làm vợ. Hai người quyết định hưởng tuần trăng mật ở châu âu, tại chính địa điểm Baden-Baden, và vẫn không tránh khỏi vết xe đổ của lần thua bạc trước. Sau đó, nhà văn cam kết với vợ sẽ cạch đến già, và ông đã giữ lời hứa –hàng chục năm sau đó cho đến lúc chết, không bao giờ dây dưa vào những cuộc đỏ đen.

Cuốn tiểu thuyết của Dostoyevsky trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nghệ sĩ danh tiếng. Nhạc sĩ Nga lỗi lạc Sergei Prokofiev đã sáng tác vở opera Con bạc và tự tay viết librétto theo tiểu thuyết của Dostoyevsky. Điều lạ lùng là opera Canh bạc được công diễn lần đầu năm 1929 tại Brussel (vương quốc Bỉ), nhưng mãi tới năm 1974 mới được công diễn tại Moskva.

Tiểu thuyết Con bạc của đã được các nhà làm phim từ khắp năm châu đua nhau đưa lên màn ảnh. Trong một năm 1938 xuất hiện liền hai bộ phim Le Joueur của đạo diễn Pháp Louis Daquin và Roman eines Spielers của đạo diễn Đức Gerhardt Lampert. Năm 1947 tại Argentina xuất hiện bộ phim El Jugador đạo diễn Tây Ban Nha Léon Klimovsky. Ngay năm sau (1948), đạo diễn Mỹ gốc Đức Robert Siodmak cho ra đời The great sinner (Kẻ mang tội lớn). Trải qua một thập niên, 1958, đạo diễn Pháp Claude Autant-Lara tạo ra một phiên bản điện ảnh mới cho tiểu thuyết Con bạc với bộ phim Le Joueur. Năm 1966, Liên Xô có tác phẩm điện ảnh Con bạc đầu tiên, do đạo diễn Yuri Bogatyrenko thực hiện.

Năm 1972 lại có sự kiện lớn: Con bạc được Liên Xô đưa lên màn ảnh lần thứ hai với sự dàn dựng của đạo diễn nổi tiếng Alexei Batalov, đồng thời được đạo diễn Đức Michail Olschewski làm thành phim. Hai năm sau, 1974, tại Mỹ, khán giả được xem bộ phim The Gambler của đạo diễn Anh Karel Reisz (1926-2002). Đến năm 1997, tác phẩm được đạo diễn Hungary Károly Makk đưa lên màn ảnh. Gần đây nhất, 2007, tại Đức, bộ phim Die Spieler của đạo diễn Đức Sebastian Bieniek ra đời với nhiều tình tiết lý thú. Đây là bộ phim tiêu ít kinh phí nhất từ trước đến nay (chỉ 2.000 euro) cho một bộ phim truyện tham dự cuộc thi của Hiệp hội quốc tế các nhà sản xuất phim (FIAPF). Tác phẩm điện ảnh này được làm tại Viện Hàn lâm Điện ảnh và Truyền hình Đức, quay tại Berlin, thu hút rất nhiều diễn viên lần đầu mới đứng trước ống kính máy quay, chủ yếu là những Nga kiều đang sinh sống tại Đức. Đặc biệt, đoàn làm phim Canh bạc của Sebastian Bieniek đã làm việc một cách hỏa tốc, kể từ khi bấm máy đến lúc phim ra lò chỉ mất vẻn vẹn 10 ngày! Mới đây, tác phẩm độc đáo này được đưa đi dự Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải 2009.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phim từ tiểu thuyết của Dostoyevsky
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO