Phim người đóng hay hoạt hình?

THÀNH NGUYÊN 19/02/2012 07:51

Ranh giới giữa phim hoạt hình và phim người đóng đang dần bị xóa nhòa khi hiệu ứng kỹ thuật số được áp dụng rộng rãi: phim người đóng sử dụng các ứng dụng hoạt hình trong kỹ xảo, còn phim hoạt hình sử dụng diễn xuất trực tiếp của con người được ghi lại qua các chíp cảm biến. Trước thềm Oscar 2012, các nhà chuyên môn của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ băn khoăn không biết xếp các phim này vào dạng nào.

Năm 2011 có thể gọi là năm Hollywood lấn sân phim hoạt hình. Ngày càng nhiều phim truyện diễn xuất trực tiếp sử dụng kỹ thuật hoạt hình (animated). Các đại diện này gồm: The Adventures of Tintin của Steven Spielberg và Peter Jackson, Rango của Gore Verbinski, Happy Feet Two của George Miller hay Puss in BootsKung Fu Panda 2 của nhà sản xuất Guillermo del Toro. Đó là chưa kể hai tác phẩm hành động bom tấn của hãng Pixar Mission: Impossible - Ghost Protocol của Brad Bird và John Carter của Andrew Stanton cũng áp dụng khá thành công các ứng dụng của hoạt hình.

Đó không phải là sự trùng hợp tình cờ khi các nhà làm phim hiện nay đang có xu hướng hòa trộn hai thể loại hoạt hình và diễn xuất. Công nghệ làm kỹ xảo cho phim hành động cũng tương tự như kỹ thuật máy tính của phim hoạt hình. Không chỉ bó hẹp cứng nhắc trong một thể loại phim, việc pha trộn giữa hai thể loại phim này đang khiến khán giả ngày một thích thú hơn. Nhiều hình ảnh trong phim người đóng trở nên hấp dẫn hơn, sống động hơn nhờ công nghệ vẽ của máy tính. Ngược lại, nhiều phim hoạt hình đang được xây dựng theo môtíp người đóng, gắn các chip cảm biến lên mặt và cơ thể, sau đó máy tính quét lại và dựng thành nhân vật hoạt hình.

Ngoài hiệu quả rõ rệt đối với phim ảnh, các nhà làm phim còn có lý do về tài chính để chọn lựa công nghệ hoạt hình. Bill Damaschke, đồng giám đốc sản xuất của hãng DreamWorks Animation cho biết: “Mọi năm có khoảng 3 - 5 phim hoạt hình lọt vào nhóm 10 phim ăn khách nhất. Công nghệ làm phim bằng hoạt hình ngày càng phát triển, tạo ra hiệu quả đáng kể, không chỉ thu hút đông khán giả mà còn tạo sức hút lớn đối với các nhà làm phim”. DreamWorks Animation là nơi mà Del Toro làm tư vấn sáng tạo, và cũng là nơi đạo diễn Noah Baumbach của The Squid and the Whale đang viết kịch bản cho phim hoạt hình Madagascar 3.

The Adventures of Tintin, tác phẩm mới nhất của Steven Spielberg dựa trên bộ truyện tranh lừng danh của tác giả huyền thoại người Bỉ Herge cũng là một dạng “lai” giữa phim người đóng và hoạt hình, kể về cuộc phiêu lưu của chàng phóng viên ưa mạo hiểm. Diễn viên Jamie Bell thủ vai Tintin và Andy Serkis đảm nhiệm nhân vật thuyền trường Haddock. Nhân vật chú chó Bóng tuyết, bạn đồng hành của Tintin hoàn toàn được thực hiện bằng kỹ thuật hoạt hình. Ngay khi mới ra rạp, phim đã vọt lên vị trí ăn khách hàng đầu, đặc biệt là ở châu Âu. Các công cụ kỹ thuật mà Spielberg sử dụng trong Tintin chính là những công cụ mà James Cameron sử dụng trong Avatar - bộ phim năm ngoái Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ xếp vào phim người đóng. Jamie Beard, người giám sát và tư vấn kỹ thuật hoạt hình của công ty WetaDigital - nơi cung cấp giải pháp kỹ thuật cho cả hai phim - cho biết: “Chúng tôi sử dụng cùng công nghệ kỹ thuật cho cả hai phim. Điều khác nhau là những ý tưởng của các đạo diễn. James Cameron muốn có một thế giới Pandora thật hết mức, còn với Tintin, chúng tôi muốn tạo một thế giới riêng của Hergé”.

Trong cả hai phim, kỹ thuật hoạt hình và hiệu ứng kỹ xảo chiếm phần lớn màn trình diễn của người trong những thế giới kỳ ảo. Đây cũng là những yếu tố chính khiến cho Viện Hàn lâm phải lúng túng không biết xếp phim vào thể loại người đóng hay hoạt hình.

Các quy định mới bổ sung của Viện hàn lâm năm 2010 có định nghĩa rõ ràng: Phim truyện là phim do các diễn viên diễn xuất trực tiếp chứ không thông qua kỹ xảo máy tính. Còn phim hoạt hình hoặc sử dụng kỹ xảo hoạt hình thì các hoạt động của nhân vật chính phải không ít hơn 75% thời lượng của bộ phim.

Đạo diễn George Miller của Happy Feet nhận xét: “Ngày nay, khi công nghệ điện ảnh ngày càng phát triển, các công cụ kỹ thuật đang được sử dụng ngày càng hiệu quả”.  Happy Foot phần đầu tiên cũng sử dụng kiểu công nghệ này, khi gắn các chíp cảm biến vào diễn viên để tạo nên những bước nhảy tuyệt vời của các chú chim cánh cụt. Và bộ phim đã giành giải Oscar cho phim hoạt hình năm 2006. Miller cho biết, Happy Feet 2 có khoảng 94% hoạt hình, còn lại là diễn xuất của người được ghi lại vào máy tính. Tuy nhiên kỹ thuật này được áp dụng rất chọn lọc, chỉ trong những cảnh có bầy chim cánh cụt nhảy múa.

Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đã tạo ra sự bối rối không nhỏ cho mùa giải thưởng điện ảnh sắp tới: đối với những sản phẩm từ công nghệ, nên trao giải cho nghệ sỹ hay kỹ thuật viên hoạt hình? Kỹ xảo hoạt hình do một công ty công nghệ làm thì có nên trao giải không? Quay phim trong hoạt hình được xếp vào hạng mục gì? Theo Jim Morris, tổng giám đốc và phó chủ tịch điều hành sản xuất của Pixar: “Công nghệ mới cho chúng ta nhiều sản phẩm hiệu quả, nhưng cũng đem lại những câu hỏi khó trả lời. Khi áp dụng công nghệ, phải nhắc tới thương hiệu của công ty làm ra công nghệ đó, chẳng hạn như những kỹ thuật mà WetaDigital cung cấp cho Avatar, Tintin hay Rango. Các kỹ thuật viên bây giờ phải gọi họ là nghệ sỹ khi họ tạo ra kỹ thuật hình ảnh trong phim. Chúng ta đang đứng trước sự thay đổi lớn của thời đại và công nghệ, và phải mất một thời gian mới có thể định hình và tôn vinh chúng xứng đáng”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phim người đóng hay hoạt hình?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO