Phim nghệ thuật định dạng 3D
Bộ phim Pina của đạo diễn nổi tiếng Đức Wim Wenders về nữ biên đạo múa huyền thoại Pina Bausch đã trở thành phim nghệ thuật đầu tiên được thực hiện dưới định dạng 3D trên thế giới.
Huyền thoại múa người Đức qua đời năm 2009, đúng vào lúc Wim Wenders chuẩn bị bấm máy bộ phim về cuộc đời và sự nghiệp của bà. Ông đã lên kế hoạch thực hiện bộ phim nghệ thuật định dạng 3D đầu tiên trên thế giới để bày tỏ sự kính trọng đối với người đã có nhiều sáng tạo mang tính cách mạng trong nghệ thuật múa. Bộ phim được công chiếu trong chương trình bên lề LHP Berlin 2011.

Wim Wenders lần đầu tiên được xem những điệu múa của Pina vào năm 1984. Ông nhớ lại: “Tôi xem vở đầu tiên của Pina và ngay sau đó lùng tìm xem tiếp 5 vở khác. Từ đó, tôi xem mọi tác phẩm do bà dàn dựng. Tôi từng xem múa cổ điển, nhưng nhiều khi thấy nhàm chán. Tuy nhiên, các vở múa của Pina đem lại sự khác biệt. Bà đã tạo ra một thế giới mới cho nghệ thuật múa. Những việc bà làm là tạo dựng các vở kịch trong đó vũ công là người thể hiện câu chuyện”.
Các vở múa của Pina đôi khi bao gồm cả lời thoại - điều mà nghệ thuật múa cổ điển coi như một sự xúc phạm - tuy nhiên nó lại hoàn toàn không phải một vở kịch như thông thường. Kể từ khi được thưởng thức các vở múa của Pina, Wim Wenders đã biết chúng thuộc về màn bạc, nhưng vị đạo diễn kỳ cựu này không phải ngay lập tức đã tìm ra ý tưởng thể hiện. Wenders cho hay, vấn đề là ở không gian. Thử tưởng tượng xem, bạn có thể đặt máy quay ở đâu? Nếu muốn quay cận cảnh một vũ công, sẽ bị mất những gì diễn ra đằng sau, đằng trước và bên cạnh họ. Lùi máy lại hoặc dùng ống kính góc rộng, cảnh sẽ bị bẹt ra, người xem có thể thấy được mọi thứ diễn ra nhưng cảm xúc không còn. Các điệu múa của Pina thường đầy ắp cảm xúc cho tới từng nốt nhạc. “Càng tìm hiểu về công việc của bà, tôi càng bí cách quay như thế nào để thể hiện cho thật đầy đủ”.
Mãi đến năm 2006, Wenders được xem một đoạn trích phim ngắn quay bằng công nghệ 3D tại Cannes. “Tôi đã gọi cho Pina ngay tại rạp chiếu, và lúc đó, tôi nhận ra mình sẽ phải làm thế nào”. Tuy nhiên, sau đó Wim Wenders lại gặp vấn đề khác: phim 3D có thể giải quyết được rắc rối về không gian, nhưng khi ông thử quay bản đầu tiên, thì máy quay 3D lại không theo kịp các chuyển động nhanh. Hậu quả là một vũ công nhảy qua sân khấu có thể có 3 tay, 4 chân. “Thậm chí ngay cả trong Avatar, nếu xem bản gốc, chứ không phải bản được chỉnh sửa trên máy tính, bạn cũng có thể thấy rằng nó không đẹp hoàn hảo. Cách đây 4 năm, công nghệ chưa thể xử lý được các chuyển động tự nhiên. Vì thế, chúng tôi lại tiếp tục phải đợi”.

Cho đến mùa hè 2009, khi công nghệ 3D đã phát triển đến mức như đoàn làm phim mong muốn, thì Pina qua đời vì bệnh ung thư tại thị trấn quê hương Wuppertal, thọ 68 tuổi. Ngay lập tức, Wenders hủy kế hoạch thực hiện bộ phim. Làm sao ông có thể tiếp tục thực hiện công việc nếu không có cảnh quay nào về nhân vật của mình. Ông đã lên kế hoạch theo Pina lưu diễn khắp nơi trên thế giới và ghi lại những phương pháp làm việc độc đáo của bà. Mỗi khi phát triển một màn diễn, bà sẽ hỏi các vũ công một vài câu hỏi về nhân vật, và họ phải trả lời kèm theo cử chỉ và động tác. Từ đó, bà sẽ xây dựng vở múa của mình.
Đó là một bộ phim về Pina, và Pina đã ra đi. Tuy nhiên, người hâm mộ bà và các vũ đoàn trên thế giới thì không từ bỏ. Chính họ đã thuyết phục Wenders tiếp tục công việc của mình. Và ông đã không từ bỏ. Trước đó, ông và Pina đã lựa chọn 5 vở múa tại Tanztheatre để quay. Wenders kể: “Tôi đã phải thay đổi toàn bộ khái niệm về bộ phim. Tôi phải tìm sự thay thế mỗi khi cần Pina xuất hiện. Đó chính là các vũ công”. Ông đã thực hiện đúng theo phương pháp mà Pina thường hay áp dụng đối với các vũ công, chỉ thay đổi chút ít: ông hỏi họ về biên đạo múa của mình, và họ trả lời bằng các chuyển động. Phim được thực hiện không có chút tường thuật nào, và cũng không có lời thoại, nhưng hiệu quả thì không thể từ chối: cảm xúc tăng cao rõ rệt.
![]() Cảnh trong phim Pina |
Sau đó, làm việc cật lực để có thể hoành thành bộ phim vào cuối năm 2010, Wim Wenders bổ sung cho bộ phim một nét mới khác: đưa các vũ công ra khỏi sân khấu và để họ trình diễn ngoài đường, trong nhà máy và ở nhiều nơi khác tại thị trấn Wuppertal, quê hương của Pina. Thậm chí, có những cảnh các vũ công nhảy múa ngay bên những dòng xe cộ đi lại ngược xuôi, hay cảnh múa trên nền một hầm mỏ bị cấm ra vào... Thực ra những bộ phim 3D mọi người thường xem từ trước đến nay phần lớn đều không được thực hiện trong thế giới thực. Vì thế, nhiều người đã coi Pina là bộ phim mang tính cách mạng và mạnh mẽ nhất của Wenders trong thập kỷ này.
Về phía mình, đạo diễn Wenders chỉ nói đơn giản: “Tôi muốn chiếu bộ phim này cho Pina xem, nhưng điều đó là không thể. Tôi hy vọng đây là tấm lòng thành kính mà những người yêu mến Pina dành cho bà. Đó chính là các vũ công của Pina”.