Phim là cái nhìn cá nhân

12/03/2007 00:00

NĐBND xin giới thiệu ở đây những ý kiến về nghề điện ảnh của đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese, người vừa mới đoạt giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất và phim hay nhất với phim Kẻ nội gián (The Departed). Bản dịch của đạo diễn Việt Linh.

      Vào thời điểm Sự cám dỗ cuối cùng của Chúa (The Last Temptation of Christ) và Màu của đồng tiền (The Color of Money), tôi giảng dạy điện ảnh tại các trường đại học Columbia và New York - đúng hơn tôi đến đó để xem sinh viên thực tập và nói lên ý kiến của mình, cũng như những lời khuyên. Nói chung, vấn đề lớn nhất trong các đề án phim ảnh là ý đồ, tức điều người làm phim muốn truyền đạt. Nhiều yếu tố có thể bộc lộ ý đồ này, hiển nhiên nhất là cách đặt camera. Nhưng các sinh viên thường không trả lời được câu hỏi cơ bản đối với một đạo diễn: đặt máy quay ở đâu để cảnh phim cho thấy điều nó phải nói lên? Làm sao một cảnh phim, khi kết hợp với các cảnh khác, thể hiện được ý đồ của bạn? Có thể đó chỉ là một ý thuần hình thể hoặc điều gì đó có nội dung hơn, như một ý nghĩ triết lý hay một quan sát tâm lý. Nhưng cho dù trường hợp nào đi nữa, bạn cũng nên trở lại điểm khởi đầu: đặt camera ở đâu để truyền đạt điều bạn muốn nói? Khi ấy mới lộ ra rằng: vấn đề chính của nhiều sinh viên và đạo diễn trẻ là... họ không có gì để nói! Từ đó phim của họ hoặc tối nghĩa, ước lệ hoặc ngả theo khuynh hướng thị trường. Cho nên, tôi nghĩ rằng câu hỏi đầu tiên các bạn phải đặt ra khi có ý muốn làm phim là: Tôi có điều gì để nói hay không? 
      NÓI ĐIỀU MÌNH BIẾT
      Tôi xuất thân từ một phong trào - các năm 1960, 1970 - mà quan điểm của nó là điện ảnh mang tính cá nhân. Chúng tôi làm phim từ các chủ đề chúng tôi gắn bó và tin tưởng, bởi đó là những chủ đề có liên can trực tiếp với chúng tôi. Trong những năm 1980, quan điểm này bắt đầu biến khỏi Hollywood, chỉ còn tồn tại ở khu vực sản xuất độc lập. Song, ngày hôm nay, cảm nhận của tôi là ngay các hãng phim độc lập cũng chạy theo điện ảnh đại chúng, với các thể loại phim hành động, hồi hộp, tình cảm lâm ly... Khi xem các bộ phim ít vốn, tôi thường có cảm tưởng các đạo diễn đang trình duyệt phim để được thu nạp vào Hollywood. Bạn có thể hỏi: Vì sao phim phải mang tính cá nhân? Tất nhiên, đó là vấn đề quan điểm. Quan điểm của tôi - chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân với tư cách khán giả - là: khi bộ phim càng thể hiện cái nhìn độc nhất, tức càng cá nhân thì nó càng đến gần vị trí của tác phẩm nghệ thuật. 
      Có bắt buộc phải là tác giả của phim - tức người viết ra kịch bản - mới tạo cho nó tính cá nhân? Không nhất thiết. Có những đạo diễn chỉ phóng tác hình ảnh những gì được viết lên trên giấy, và có những đạo diễn, tuy cũng khởi đi từ kịch bản của người khác, song có năng lực áp đặt cái nhìn riêng thông qua cách quay phim, dựng phim, cách chọn âm nhạc...  Khi làm được điều đó họ biến sản phẩm thành ra cái gì rộng hơn, thật sự của họ. Đó là sự khác biệt giữa hai bộ phim His Girl Friday của Howard Hawks và Dream Wife của Sidney Shelton. Cả hai thuộc thể loại hài kịch, được quay cùng thời kỳ với Cary Grant trong vai chính. Song nếu người ta có thể xem hàng trăm lần bộ phim thứ nhất thì khó ai chịu nổi phim thứ hai quá ba lần. Đó cũng là khác biệt hiện nay giữa phim của Ngô Vũ Sâm (John Woo) và của Joel Schumacher. Cả hai đều làm phim hành động, song chỉ có đạo diễn đầu cho nó tính cá nhân - kiểu tìm tòi mang chủ đề rất rõ. Theo tôi đó là lý do vì sao điện ảnh John Woo quyến rũ chúng ta. Đối với nhiều đạo diễn hiện nay, sự thành công của một bộ phim căn cứ vào các tiêu chuẩn kỹ thuật, thậm chí công nghệ. Tôi cho đó là quan điểm sai lầm, nông cạn.
      BIẾT ĐIỀU MÌNH NÓI
      Xin lỗi lặp đi lặp lại, nhưng tôi cho rằng người đạo diễn phải biết những gì mình nói. Tối thiểu, phải biết những tình cảm hay cảm xúc họ muốn truyền đến công chúng. Điều này không có nghĩa đạo diễn không thể tìm tòi, song tôi nghĩ đó chỉ là bề mặt, tức chỉ ở mức độ bối cảnh câu chuyện. Bộ phim Thời ngây thơ (The Age of Innocence) xem ra khá xa những hiểu biết của tôi, bởi tôi chưa từng sống trong xã hội thượng lưu, lại thuộc thế kỷ thứ XIX. Khi làm phim này, tôi đã lấy những tình cảm mà tôi hiểu biết và chuyển vị chúng sang thế giới tôi không hề hiểu biết nhưng rất tò mò muốn biết. Tiến hành cuộc khảo sát có tính cách hầu như dân tộc học, tôi thử quan sát các qui tắc, qui ước của xã hội đó, ở thời kỳ đó ảnh hưởng, tác động thế nào lên các tình cảm nói trên. Cũng với những nhân vật này và khởi điểm này, các bạn có thể thực hiện những bộ phim hoàn toàn khác nếu câu chuyện xảy ra tại một làng nhỏ của Sicile hay một thị xã của nước Pháp.
      Trong mọi trường hợp, tôi cho rằng đạo diễn phải biết mình nói điều gì và đi đến đâu. Tôi không tin vào ý tưởng theo đó đạo diễn vừa làm phim, vừa phát hiện nó. Và cho dù Fellini có nói là các phim của ông đều ứng tác, tôi tin chắc ông phải có ý niệm khá chính xác những điều ông muốn thực hiện. Tôi biết có đạo diễn thường nói là khi đến phim trường buổi sáng họ không hề biết sẽ thực hiện cảnh quay ra sao. Tôi thì không thể làm điều đó. Tôi xây dựng phần lớn các cảnh phim trước ngày bấm máy. Tệ nhất thì cảnh đầu tiên trong ngày cũng phải được quyết định tối hôm trước. Tôi chỉ ứng tác khi quyết định quay một cảnh không có trong kịch bản và khi nó không mấy quan trọng cho phim. Lúc đó quả có chút ít tự do hơn. Dù sao tôi không thể tưởng tượng có thể sáng tạo hoàn toàn một bộ phim, tức quay mà không có kịch bản. Kịch bản luôn là điều cốt yếu. Ngược lại cũng không nên trở thành nô lệ kịch bản. Nếu không thì chỉ như "chụp ảnh” từ ngữ. Đừng bao giờ quên rằng cái cách bạn diễn giải kịch bản mới là quan trọng. Chính nó quyết định bộ phim. Còn nếu bạn là người trực giác và có phương tiện – nên nhớ quay phim rất tốn kém - thì hãy cứ ứng tác, thể nghiệm...; kết quả có thể rất đáng để thử. Riêng tôi thì thua. Hôm nay, tôi có thể thú nhận rằng bộ phim duy nhất mà tôi không biết rõ ràng tôi sẽ đi đâu khi thực hiện là New York, New York, và tôi quả không hài lòng về kết quả cuối cùng.
( .....) 
      MỘT NGÔN NGỮ CẦN SÁNG CHẾ LẠI 
      Cảm nhận của tôi hôm nay là mỗi cảnh quay tự nó là một kinh nghiệm. Dĩ nhiên, điện ảnh có văn phạm cơ bản, và nhìn từ góc độ này, Godard có nói rằng chúng ta có hai ông thầy lớn trong lịch sử điện ảnh, đã đặt ra các qui phạm cơ bản về quay phim: Griffith trong điện ảnh câm, và Welles trong điện ảnh nói. Song hôm nay, các nhà làm phim cảm thấy cần phải thay đổi và muốn làm những gì có thể làm được nhằm phát minh ngôn ngữ mới. Họ vẫn sử dụng cận cảnh, trung cảnh, toàn cảnh, nhưng không nhất thiết theo cách trước đây. Và đôi khi chính qua cách kết hợp các loại cảnh mà họ tạo nên những cảm xúc mới, hoặc những cách mới để truyền đạt cảm xúc. Tôi nghĩ đến Olivier Stone và cách dựng phim siêu thực trong Những kẻ sát nhân bẩm sinh (Natural Born Killers) và Nixon. David Lynch cũng là một đạo diễn thể nghiệm ngôn ngữ điện ảnh rất tài. 
      Về phần mình, Chiến hữu (Goodfellas) là phim tôi thử nghiệm nhiều nhất. Song đó không phải thật sự là thể nghiệm, bởi cảm hứng của tôi xuất phát từ đoạn mở đầu của phim Citizen Kane và nhất là hai, ba phút đầu tiên trong Jules et Jim của Truffaut - một phim vô cùng phong phú chi tiết, mỗi hình ảnh đều tràn đầy nội dung, mang nhiều thông tin hơn cả chuyện kể, mà kết quả là một sức sống khó tưởng tượng. Tôi không sáng tạo gì cả, nhưng tôi hài lòng đã thành công khi thể hiện - bằng cách đặt kề hình ảnh và tiếng nói ngoại hình sự hớn hở của chàng thanh niên gia nhập thế giới găngxtơ. Tất nhiên còn có Vua hài kịch (The King of Comedy) là bộ phim tôi thể nghiệm camera tĩnh và, đối với tôi, đó thật sự là một hy sinh bởi tôi vốn thường quay máy động.
( ......) 
      DIỄN VIÊN PHẢI CÓ TỰ DO HAY CHÍ ÍT CÓ CẢM GIÁC TỰ DO
      Quan hệ làm việc với diễn viên thật sự không có bí quyết: mỗi đạo diễn có phương pháp và quan điểm riêng. Về phần tôi, để điều khiển tốt diễn viên, trước hết, tôi cần yêu quý họ về mặt con người, hay chí ít quý một số mặt của con người họ. Ngược lại, có đạo diễn không hề yêu quí diễn viên, nhưng lại điều khiển họ diễn xuất sắc. Ai trong chúng ta cũng đều nghe những câu chuyện kể về sự ác độc của Hitchcock. Bản thân tôi không hoàn toàn tin các câu chuyện huyền thoại này. Song, bất luận Hitchcock đối xử ra sao với diễn viên, ông đã chỉ đạo họ diễn tốt. Fritz Lang cũng rất khe khắt với diễn viên, tuy nhiên, trong mối tương quan đó ông đạt được điều ông muốn về mặt diễn xuất. 
      Tôi thì thích để diễn viên tự do. Đúng hơn, cho họ cảm tưởng tự do. Cách lấy khung hình của tôi chính xác và cứng nhắc đến mức diễn viên rất ít không gian để hoạt động. Nhưng năng lực của diễn viên lớn là ở đó: diễn xuất được trong một không gian giới hạn. Trong Goodfellas tôi đã dựng những cảnh rộng cho diễn viên vận động, nhưng đó là vì câu chuyện bắt buộc như vậy: các nhân vật lúc nào cũng có người khác bao quanh, và hành động nào của họ cũng có hệ quả trên những người xung quanh đó. Để cho thấy điều này tôi không thể lấy khung hình chặt, nên diễn viên được tự do hơn chút ít. Trong Casino cũng vậy, tôi đã để diễn viên ứng tác rất nhiều. Đối với một đạo diễn, đó không phải là quyết định hiển nhiên, bởi vì nếu diễn viên thấy mình quá tự do, họ có thể "lấn át” bộ phim, trong lúc bộ phim phải là của bạn trong từng phân cảnh. Tuy nhiên, tôi đã bật đèn xanh cho diễn viên và tôi không hề thất vọng. Trên sàn quay tôi thường có cảm giác tôi là khán giả: tôi bị cảnh phim thu hút đến mức quên đi vị trí đạo diễn của mình. Và khi điều này xảy ra thì đó là bằng chứng bạn đang quay cái gì đó xuất sắc.
( .....) 
      COI CHỪNG: NGUY HIỂM
      Đối với một đạo diễn, tất nhiên có nhiều sai lầm phải tránh. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là sự lặp lại dư thừa. Do e sợ hay thiếu tự tin, chúng ta dễ có xu hướng nhấn mạnh ý nghĩa của bộ phim hay của một cảnh phim, lặp lại nhiều lần một thông điệp hay tái diễn nhiều lần một cảm xúc. Trên bình diện cảm xúc điều này có thể mang đến một hiệu quả nào đó, bởi vì khi tích lũy cảm xúc, đôi khi cường độ của nó tăng đến mức có thể biến thành một cái gì khác. Nhưng tôi đã từng xem nhiều phim, trong đó, vào cuối bộ phim, tôi cảm tưởng phải nghe nhân vật chính “đọc” diễn văn nhằm giải thích ý nghĩa của tựa phim, hoặc nhằm bảo đảm cho người xem hiểu đúng câu chuyện. Điều này khiến tôi rất bực bội. Tôi hiểu người làm phim thường muốn có một đoạn then chốt để làm trụ cho phim, nhưng khi ta lặp lại nó hoặc làm rõ quá ý đồ của ta thì, theo tôi, có nghĩa là bộ phim đã hỏng. Tôi không chắc đã tránh được cạm bẫy này, nhưng dù sao tôi biết tôi đã cố tránh nó. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phim là cái nhìn cá nhân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO