Bước ngoặt cho hoạt hình Việt
Các nhà sản xuất phim hoạt hình Sconnect Studio, Alpha Studio và Colory Animation Studio đã giới thiệu 4 dự án phim hoạt hình điện ảnh dự kiến đưa vào khai thác năm 2025. Trong đó, Truyền thuyết Kim Ngưu - dự án phim hoạt hình 3D có bối cảnh mang đậm nét văn hóa Việt Nam, thể hiện sinh động, hấp dẫn truyền thống, phong tục và đời sống của người Việt. Đây là phiên bản màn ảnh rộng đầu tiên của series phim Trạng Quỳnh thời nhí nhố.
Chiến binh gốm - Blank Blank là bộ phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên của Việt Nam được thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ Stopmotion - công nghệ thách thức mọi nhà làm phim và các studio lớn trên thế giới.
Wolfoo và cuộc đua tam giới được vẽ theo phương pháp 2D frame by frame kết hợp rigging, là phần tiếp theo của bộ phim hoạt hình chiếu rạp Wolfoo và hòn đảo kỳ bí đã ra mắt năm 2023. Dự án còn lại là phim hoạt hình 3D Zombie mắt lác, lấy bối cảnh thế giới hậu tận thế…
Với sự đa dạng về kỹ thuật sản xuất, từ 3D Animation, 2D Frame-by-Frame đến Stopmotion, các tác phẩm hứa hẹn tạo nên bước ngoặt mới cho hoạt hình Việt.
Trước đó, Wolfoo và hòn đảo kỳ bí đánh dấu lần đầu tiên một bộ phim hoạt hình Việt Nam được khai thác thương mại trên thị trường. Bộ phim đã nhanh chóng nằm trong top 3 phim hoạt hình có doanh thu phòng vé cao nhất tại Việt Nam, thu về gần 2 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy 1 tuần công chiếu, với hơn 800 suất chiếu và 15.000 vé bán ra. Đây cũng là một phần của hiện tượng toàn cầu Wolfoo Series - loạt phim ra mắt năm 2018 với 3 nút kim cương trên YouTube, 2 tỷ lượt xem hàng tháng, và nhiều lần lọt vào top 50 kênh YouTube có lượt xem cao nhất thế giới.
Cùng với sản xuất, phân phối phim, những nhà sáng tạo nội dung còn mở rộng hệ sinh thái hoạt hình. Chẳng hạn, Lớp học mật ngữ không chỉ thu hút các bạn nhỏ, mà còn là thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam chuyển thể thành công từ truyện tranh sang phim hoạt hình năm 2020 và được đón nhận trên nền tảng trực tuyến. Đây là thương hiệu tiên phong mở rộng bản quyền nhân vật, tạo nên hệ sinh thái thương mại đa dạng. Từ 32 tập truyện tranh ăn khách, tháng 10.2018, Lớp học mật ngữ ra mắt đồ chơi board games đình đám (Cuộc đua sao chổi, Siêu thú ngân hà) và có những ý tưởng về hoạt hình khiến thương hiệu đi vào khía cạnh khác của cuộc sống như thời trang, phụ kiện, thực phẩm… đưa nhân vật hiện diện khắp nơi và trở nên gần gũi với khán giả…
Để phim hoạt hình Việt cất cánh
Theo ông Vũ Anh Đức - Giám đốc Đào tạo Arena Multimedia, thị trường hoạt hình toàn cầu đạt quy mô khoảng 400 tỷ USD vào cuối năm 2024, cho thấy sự tăng trưởng vượt trội, động lực thị trường, phân khúc thị trường và tác động trên nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó, hoạt hình do máy tính tạo ra thống lĩnh thị trường, chiếm khoảng 85% ngành hoạt hình toàn cầu, tính đến năm 2022. Trong năm 2024, ngành hoạt hình chứng kiến nhiều xu hướng phát triển mới như tạo ra trải nghiệm tương tác phong phú, dùng trí tuệ nhân tạo (AI) tối ưu hóa quy trình sản xuất, xu hướng tăng 45% lượng tiêu thụ nội dung hoạt hình trên nền tảng trực tuyến, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hóa nội dung, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả…
Trong thị trường giàu tiềm năng này, các đơn vị sản xuất hoạt hình Việt Nam cũng nhanh chóng phát triển; ông Tạ Mạnh Hoàng - Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam, Tổng giám đốc Sconnect Việt Nam cho biết: “Khoảng 10 năm trước, rất ít doanh nghiệp tham gia lĩnh vực hoạt hình và thường sản xuất nội dung vô cùng đơn giản, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, chúng tôi đồng hành với gần 100 công ty cùng sáng tạo, sản xuất kinh doanh trên nền tảng số. Đến nay, nhiều công ty có khả năng sản xuất sản phẩm chất lượng cao về mặt thương mại có thể đưa ra toàn thế giới; kết quả này chứng minh Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển lĩnh vực hoạt hình”.
Với Sconnect, doanh nghiệp lấy sở hữu trí tuệ (IP) nhân vật hoạt hình là trục lõi để làm thương mại, sản xuất trên nền tảng số với nội dung ngắn để tạo viral, rồi đến series phim, 8 năm sau mới làm phim điện ảnh. Chiến lược đặt ra là phát triển cả về chiều sâu chất lượng và chiều rộng hệ sinh thái sáng tạo và cấp quyền hình ảnh nhân vật, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, tập trung truyền tải giá trị cốt lõi về văn hóa để tích hợp vào sản phẩm.
Năm 2022, Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh, khẳng định điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa. Với phim hoạt hình, những thành tựu gần đây cho thấy, Việt Nam có nhiều dư địa phát triển ngành công nghiệp văn hóa này. Kỳ vọng phim hoạt hình Việt Nam sẽ cất cánh, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, có 4 vấn đề quan trọng cần tập trung thời gian tới.
Thứ nhất, phát huy tài năng sáng tạo để sản xuất các bộ phim hoạt hình xứng tầm. Thứ hai, khai thác tốt hơn nữa các giá trị văn hóa dân tộc, tạo ra bản sắc riêng cho phim hoạt hình Việt Nam, xác định dòng chảy riêng và vị trí vững chắc khi ra với thế giới. Thứ ba, áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp, tiệm cận nhanh với trình độ thế giới. Thứ tư, quan tâm hơn tới kỹ năng kinh doanh để các bộ phim đến với khán giả toàn cầu, xây dựng được thương hiệu trên thị trường phim hoạt hình thế giới.