Phiên họp thứ Ba tám của UBTVQH
* Dự án Luật Thủ đô: Phát triển hạ tầng kỹ thuật để vừa đáp ứng nhu cầu riêng của Hà Nội vừa đáp ứng nhu cầu của Trung ương
Sáng 15.2, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Thủ đô.
Báo cáo giải trình và tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật Thủ đô do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày nêu rõ, qua nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã rà soát lại các cơ chế chính sách để chỉnh lý nhằm tạo cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô. Các cơ chế chính sách đặc thù đó - pháp luật hiện hành không thể giải quyết được những vấn đề đặt ra cho Thủ đô; đồng thời chính sách đặc thù đặt ra phải bảo đảm tính ổn định, hợp lý, khả thi và trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp. UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan lược bỏ một số nội dung không thực sự cần thiết; cho rằng vấn đề quy hoạch Thủ đô là rất quan trọng cần điều chỉnh trong Luật Thủ đô. Phát triển hạ tầng kỹ thuật Thủ đô Hà Nội, ngoài việc bảo đảm cho nhu cầu riêng của Hà Nội còn phải nhằm đáp ứng cho các nhu cầu của Trung ương. Đây chính là đặc thù so với các tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, quy hoạch là nội dung cơ bản và chủ yếu của đạo luật này. UBTVQH đã điều chỉnh theo hướng, thẩm quyền xây dựng, phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND TP Hà Nội lập quy hoạch chung Thủ đô trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô sau khi trình Quốc hội cho ý kiến. Quy định như vậy nhằm thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Trung ương đối với quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, do quy hoạch chung của Thủ đô được lập dựa trên Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, trình tự, thủ tục xây dựng và phê duyệt Chiến lược cũng đã được chỉnh lý lại tương tự như đối với trình tự, thủ tục lập và phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô, chỉ khác ở chỗ thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô được giao cho tập thể Chính phủ. Đồng thời, để giải quyết thực trạng của Hà Nội là tình trạng xây dựng lộn xộn không có quy hoạch tổng thể hợp lý, nhất là ở các tuyến đường lớn mới mở, với những mô hình, kiểu dáng khác nhau, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định rõ: khi triển khai dự án phát triển các tuyến đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội phải đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đường theo quy hoạch; đối với các tuyến đường cũ cần phải cải tạo nhằm chỉnh trang đô thị thì thành phố Hà Nội có trách nhiệm lập dự án để quy hoạch lại, bảo đảm phát triển cân bằng, ổn định, giữ gìn không gian kiến trúc và nét đặc trưng của đô thị, nâng cao điều kiện sống của người dân...
Về cơ chế, chính sách để bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, UBTVQH nhận thấy, ở Hà Nội, trong số các hành vi vi phạm hành chính có những hành vi có tính chất phổ biến, đặc thù cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn để bảo đảm trật tự quản lý hành chính. Việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn tuy chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất để Hà Nội giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay, nhưng xét tình hình thực tiễn của Hà Nội thì đây là một trong những giải pháp cần thiết áp dụng đồng bộ với các biện pháp khác nhằm giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực đặc thù, xây dựng một Thủ đô phát triển với môi trường sống, môi trường văn hóa, pháp lý trong sạch, văn minh. UBTVQH đã chỉnh lý nội dung để bảo đảm tính đặc thù và khả thi: bổ sung lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội vào trong dự thảo Luật vì đây là một trong các lĩnh vực quan trọng, trong đó có một số hành vi đặc thù cần được áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn; xác định rõ mức trần của việc xử lý vi phạm là không quá 2 lần so với mức chung của cả nước để làm cơ sở giao Chính phủ quy định cụ thể.
Cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô và sự cần thiết ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù đối với Thủ đô, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, về vấn đề cư trú, về quản lý dân cư, vẫn có những điểm quy định không phù hợp. Dự thảo chỉ đặt vấn đề quản lý dân cư đối với trường hợp đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội khi đáp ứng đủ các điều kiện: có việc làm hợp pháp, có nhà ở thuộc sở hữu hoặc thuê lâu dài của các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; còn đối với tạm trú và lưu trú thì không quy định đặc thù mà thực hiện theo quy định của Luật Cư trú. Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba, quy định quản lý cư trú không đạt yêu cầu, bởi việc đặt ra yêu cầu của quản lý cư trú giúp Nhà nước quản lý dân cư và biết được số dân cư trú trên địa bàn, có những chính sách để quy hoạch phát triển các điều kiện hạ tầng cũng như về vấn đề văn hóa, về giáo dục, y tế...
Phiên họp buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 – 2011 của Chủ tịch Nước.