Phiên họp thứ 11 Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 9.9, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 11, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Tham dự phiên họp có: các Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học đồng chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân có ý nghĩa quan trọng, góp phần thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về hoạt động của Quốc hội, HĐND, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND ngày càng hiệu quả, thực chất hơn; đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu giám sát thực thi pháp luật trong bối cảnh mới của đất nước và các địa phương.
Nhấn mạnh dự luật còn nhiều vấn đề cần được trao đổi, thảo luận và xem xét kỹ lưỡng, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về những vấn đề chính sách cũng như đóng cho ý kiến về những nội dung, điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật.
Theo Báo cáo của Hội đồng Dân tộc, nội dung của dự thảo Luật được xây dựng bám sát 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật gồm: bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát là bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp cơ sở thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương; sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị sau giám sát; sửa đổi, bổ sung các quy định về trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát.
Đến nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 38 điều, bãi bỏ 4 điều, 2 khoản của Luật hiện hành và bổ sung 20 điều mới.
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Dự thảo Luật đã thể hiện được sự kế thừa Luật hiện hành và dần hoàn thiện hơn, trong đó, bổ sung cơ sở để Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban yêu cầu các cơ quan giải trình ngoài nhu cầu từ chính Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban còn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công; bổ sung các tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình và người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình tại phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban...
Đóng góp ý kiến về nguyên tắc giám sát, các đại biểu nêu rõ, Điều 3 Luật hiện hành quy định 3 nguyên tắc, gồm: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Một số ý kiến bày tỏ đồng tình bổ sung vào Điều này nguyên tắc “bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp cơ sở thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương vì cho thấy hoạt động giám sát luôn gắn kết chặt chẽ với thực hiện các chức năng của Quốc hội là lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối với HĐND là quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương. Mặt khác, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng việc bổ sung nguyên tắc này vào dự thảo Luật.
Các ý kiến cũng kiến nghị, khái niệm giám sát của Quốc hội, giám sát của HĐND cần căn chỉnh lại để bảo đảm có nội hàm, có nội dung giải thích, không đơn thuần là liệt kê các chủ thể có thẩm quyền giám sát đã được quy định tại Điều 4 dự thảo Luật.

Ghi nhận các ý kiến sâu sắc, tâm huyết, phân tích kỹ lưỡng, mang tính cốt lõi của các đại biểu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, Thường trực Hội đồng Dân tộc sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp thu đầy đủ những góp ý tại phiên họp trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.