Hội đồng nhân dân

Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 34, HĐND tỉnh Cao BằngCần giải pháp căn cơ cho dạy và học tập trung

Khánh Duy 18/07/2025 06:05

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 34, HĐND tỉnh Cao Bằng diễn ra sôi nổi, thẳng thắn; một số vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm như tình trạng một số xóm thiếu điện, thi đầu vào lớp 10 THPT kết quả thấp… đã được đưa ra chất vấn, được tiếp thu, giải trình làm rõ.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư các dự án cấp điện

Mở đầu phiên họp, đại biểu Nông Văn Tuân, xã Trùng Khánh chất vấn Giám đốc Sở Công thương về việc triển khai các dự án xây dựng, sửa chữa công trình cấp điện sinh hoạt cho các xã Bảo Lạc, Cốc Pàng, Cô Ba, Khánh Xuân, Xuân Trường, Huy Giáp, Sơn Lộ, Hưng Đạo. Giám đốc Sở Công thương Hà Văn Nam cho biết: với nỗ lực của UBND tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn, 12/18 trạm biến áp hiện đã đóng điện hoàn thành cấp điện cho khách hàng. Đối với 6 trạm biến áp còn lại, 3 trạm biến áp dự kiến đóng điện phục vụ người dân trong tháng 7/2025. Còn 3 trạm biến áp tại các xóm Cốc Thốc, Bản Chang, Lũng Nà đang thi công, dự kiến hoàn thành trong thời gian tới.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% xóm được sử dụng điện lưới Quốc gia; tuy nhiên, thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 32 xóm chưa có điện lưới quốc gia.

1.jpg
Đại biểu La Văn Hồng chất vấn tại kỳ họp

Trả lời đại biểu Nông Văn Tuân về nội dung này, Giám đốc Sở Công thương cho biết: do nguồn vốn hạn hẹp, đến năm 2025, toàn tỉnh Cao Bằng chưa đạt chỉ tiêu 100% các hộ dân được sử dụng điện, các hộ nằm chủ yếu trên địa bàn huyện Bảo Lạc cũ. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vốn Trung ương bố trí cho đầu tư các công trình điện tỉnh thấp so với nhu cầu; cùng với việc các hộ dân sống rải rác, khoảng cách quá xa, địa hình hiểm trở nên vượt mức suất đầu tư tối đa cấp điện cho 1 hộ dân ở nông thôn theo quy định của Bộ Công Thương (120 triệu/1 hộ).

Thời gian tới, Sở kiến nghị Trung ương xem xét cấp kinh phí để thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo cho tỉnh Cao Bằng, với tổng nhu cầu vốn là 283 tỷ đồng theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cùng với đó, các sở, ban, ngành, UBND các xã tiếp tục bố trí huy động mọi nguồn lực đầu tư các dự án cấp điện, bố trí nguồn vốn lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác để đầu tư các công trình điện trên địa bàn các xã để nâng cao tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bế Thanh Tịnh đánh giá cao giải pháp của lãnh đạo Sở Công thương đối với 32 xóm, trong điều kiện dân cư không tập trung, suất đầu tư lớn. Đồng thời, đề nghị Sở Công thương, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tiếp tục tham mưu tìm giải pháp cụ thể thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh đến năm 2025, 100% xóm trên địa bàn tỉnh có điện.

Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, ngoài năng lượng điện lưới, có thể huy động thêm điện gió, điện mặt trời và năng lượng tái tạo khác, cùng với nguồn lực để cung cấp điện cho 32 xóm còn lại chưa có điện lưới. Đồng thời, có giải pháp nâng cao chất lượng điện lưới, ngoài điện sinh hoạt còn cần cho sản xuất; các sở. ngành liên quan phối hợp Sở Công thương quy hoạch dân cư tập trung, tránh suất đầu tư quá lớn.

Xây dựng đội ngũ giáo viên thực sự yêu nghề

Quan tâm đến chất lượng giáo dục, đại biểu Nông Hải Lưu, xã Phục Hòa chất vấn về kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm với khá nhiều học sinh đạt điểm thấp. Đại biểu băn khoăn về việc có hay không “bệnh thành tích” trong giáo dục; ngành giáo dục Cao Bằng phải làm gì để bảo đảm “học thật, thi thật, chất lượng thật và nhân tài thật”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Ngọc Thư cho rằng: kết quả thi đầu vào lớp 10 THPT thấp, trung bình chỉ đạt trên 4,8 điểm chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục. Kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt thấp một phần do tỉnh có nền kinh tế xuất phát điểm còn thấp, trên 80% học sinh toàn tỉnh đang học tập tại các địa bàn thuộc vùng khó khăn; học sinh hộ nghèo chiếm gần 21% và giáo viên ở một số địa phương nhất là vùng khó, một số môn đặc thù còn thiếu nhiều…

s1.jpg
Đại biểu Nông Hải Lưu chất vấn tại kỳ họp

Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh việc đánh giá bảo đảm thực chất; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động đề xuất UBND tỉnh xây dựng Đề án nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông giai đoạn 2025 - 2030, trong đó xác định rõ mục tiêu, lộ trình và các nhóm giải pháp cụ thể theo từng cấp học và khu vực đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục… Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề nghị UBND các xã, phường đổi mới công tác quản lý giáo dục, dạy học gắn với đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh.

Ghi nhận các giải pháp lãnh đạo ngành chức năng đưa ra, Chủ tịch HĐND tỉnh Bế Thanh Tịnh đề nghị, việc gắn đào tạo mũi nhọn với giáo dục đại trà; quy hoạch mạng lưới trường lớp; có giải pháp căn cơ dài hạn cho dạy và học tập trung; xây dựng đội ngũ giáo viên thực sự yêu nghề, tận tâm và cống hiến. Cùng với đó, tăng cường sử dụng công nghệ để rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các trường, các vùng trên địa bàn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 34, HĐND tỉnh Cao Bằng Cần giải pháp căn cơ cho dạy và học tập trung
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO