Phiếm luận: Phải dò cho đến “ngọn nguồn lạch sông”

01/10/2007 00:00

Chưa tìm ra được nguyên nhân sâu xa là chưa “tiêu hóa” được các thảm họa đang tới và đang đe dọa mạng sống hàng ngày.

      Ngay lập tức sau vụ tai nạn xảy ra ở cầu dẫn Cần Thơ, giới chuyên môn đã bắt tay điều tra nghiên cứu, cốt giải thích tại sao lại có thể có thảm họa như vậy. Khi nêu ra các loại nguyên nhân, người ta không chỉ dừng lại khía cạnh thuần túy kỹ thuật, mà đã bắt đầu nói tới quy trình về mặt tổ chức. Đó là việc gọi thầu, đấu thầu và theo dõi tư cách các bên nhận thầu. Đó là quy trình bàn giao trách nhiệm và kiểm tra hàng ngày.
      Lại bắt đầu có những bài viết nói tới việc tổ chức cho công nhân làm  việc. Có đào tạo kỹ không? Có theo dõi kỷ luật lao động của họ không? Có hướng dẫn người lao động để họ biết khi xảy ra tai nạn thì làm thế nào không?
      Tôi cho rằng đây là hướng suy nghĩ đúng. Việc hình thành cho được thói quen dò xét mọi sự “cho đến ngọn nguồn lạch sông” -nói như một câu trong Truyện Kiều- là cái lý sâu xa nhất đảm bảo cho các thảm họa đi dần tới chỗ bớt xảy ra và khi xảy ra thì thương vong cũng được hạn chế. 
      Tôi muốn nhân đây trở lại với một vấn đề thời sự dai dẳng hơn và cũng đau đầu hơn. Khi nói tới chuyện tai nạn giao thông (cả nước trung bình 30 người chết  mỗi ngày), người ta nghĩ ngay tới cái lỗi của những người lái xe và những người tham gia giao thông- họ không biết lo cho mình. Họ phóng nhanh vượt ẩu. Đúng là có lỗi của họ thật. Nhưng hàng ngày đi lại trên đường, tôi thường lẩn mẩn truy tìm thêm những tác nhân khách quan khác. Nhân tố đầu tiên là ngành giao thông. Thậm chí phải bảo một số người làm trong ngành này là những “hung thủ”. Họ không trực tiếp tham gia vào việc đâm xe húc xe. Nhưng họ góp phần tạo ra tình cảnh giao thông hiện nay. Một trong những lý do khiến người dân những năm qua không thể gạt bỏ mấy chữ PMU18 ra khỏi đầu, vì nó cho người ta hình dung ra tội lỗi của các loại quan chức tham nhũng trong ngành huyết mạch này lớn đến thế nào. Nếu họ không lấy tiền làm giàu, đánh bạc, ăn chơi, xây nhà xây cửa, thì chúng ta đâu đến nỗi không có tiền để mở rộng và hoàn chỉnh đường sá. Số lượng không đủ. Chất lượng quá kém. Những con đường cũ kỹ nát vụn đã không cõng nổi số dân tăng lên quá mức. Điều kiện để tạo ra tai nạn lúc nào cũng sẵn, không trước thì sau, tai nạn sẽ xảy ra thôi, làm sao khác được.   
      Lại còn số lượng xe trên đường nữa chứ. Theo Cục Đăng kiểm VN, tính đến cuối tháng 8, cả nước có gần 722.000 ôtô đang lưu hành, tăng hơn 66.000 chiếc so với cuối năm 2006. Trong số này chỉ tính riêng ôtô con (từ 9 chỗ trở xuống) là 272.865 chiếc. Trước đó đã có tin giờ đây người ta tiến hành nhập khẩu cả ôtô qua đường hàng không và chắc chắn giá ôtô sẽ giảm.
      Còn biết nói sao nữa đây? Những người nhiều tiền cho rằng không có lý gì để cấm họ mua xe được. Các hãng sản xuất cần bán hàng. Các quan chức nhà nước phụ trách nhập khẩu thì cho rằng cần có ôtô nhập khẩu để thu thuế, và cũng để chứng tỏ xã hội văn minh tiến bộ. Vậy là cùng với cái viễn cảnh ùn xe tắc đường, nguy cơ tai nạn lại càng như mây ùn ùn trên đầu. 
      Bởi nhiều người có lỗi quá nên ai cũng tìm thấy sự an ủi là lỗi mình chả thấm thía gì, mình vô tội. Cảm thấy như bị trời đày, chỉ có dân xe đạp, xe máy là cứ nơm nớp lo sợ! Do cuộc sống xô đẩy, người ta không sợ mãi được, phải làm bộ phớt đời mà sống. Rồi sẵn sàng tranh đường cướp đường đi liều đi ẩu. Một cách hồn nhiên, mỗi người sẽ là “hung thủ tiềm tàng”, tức lúc nào cũng có thể là tác nhân gây ra tai nạn cho người khác.
Đến đây, đã có thể thấy rõ yếu tố cơ bản, nó là nguyên nhân sâu xa từ vụ sập cầu “tầm vóc thế giới” ở Cần Thơ, tới những vụ tai nạn giao thông to, nhỏ xảy ra hàng ngày. Đó là trình độ quản lý xã hội và nhận thức con người. Về yếu tố thứ nhất, có thể nói gọn một điều: Vốn chỉ quen điều hành một xã hội đơn giản hơn hình như chúng ta đang rất lúng túng vừa làm vừa mò mẫm, và có nhiều việc làm xong mới biết sai, nhưng sửa không kịp. Còn nguyên nhân thứ hai: Không hiểu sao nay là lúc người nào cũng vội. Trong cơn say máu làm giàu cho xã hội mà cũng là làm giàu cho bản thân, chúng ta đang sống cẩu thả liều lĩnh hơn bao giờ hết. Người nào cũng hối hả bươn trải. Đường làm không kịp cho người đi. Các phương tiện được khai thác đến cùng kiệt. Xã hội nhiều lúc chỉ còn hiện ra như một đám đông hỗn độn và các tai họa lúc nào cũng rình rập.

VƯƠNG TRÍ NHÀN

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phiếm luận: Phải dò cho đến “ngọn nguồn lạch sông”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO