Phía sau niềm vui!

- Chủ Nhật, 11/07/2021, 05:15 - Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm nay ước đạt 656,3 nghìn tỷ đồng, bằng 58,8% dự toán và tăng 14,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến tích cực này chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa - tiền tệ năm 2020, trong đó một số ngành tăng trưởng cao, nóng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...

Đặt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, lan rộng khắp cả nước và tấn công vào các khu công nghiệp, khu đô thị… kết quả thu ngân sách cho thấy cố gắng, nỗ lực lớn của các bộ, ngành và địa phương cũng như hiệu quả của các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh suốt thời gian qua. Tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của 3 khu vực kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) tròn 6 tháng qua đều tăng hai con số và cao hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số thu từ khu vực này đạt gần 332 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán và bằng 126,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Những gam màu sáng trong bức tranh thu ngân sách nửa đầu năm nay thắp lên hy vọng thu ngân sách cả năm sẽ vượt dự toán. Nếu vậy, đất nước sẽ có thêm nguồn lực cho việc phòng chống đại dịch Covid - 19 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là những chính sách hỗ trợ người nghèo, lao động tự do...

Bên cạnh đó, tình hình thu ngân sách 6 tháng qua cũng nổi lên một số vấn đề cần phải suy nghĩ. Đầu tiên là việc đánh giá, dự báo kết quả thu ngân sách chưa ổn, dẫn tới việc lập dự toán thu chưa sát với thực tế. Chúng ta còn nhớ, dự toán thu ngân sách năm 2021 được lập trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ thu đến tháng 9.2020. Ở thời điểm đó, dự báo ngân sách năm 2020 hụt thu khá cao do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid - 19, thiên tai, bão lũ. Khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ quý IV.2020 đến tháng 4.2021, nhiều khoản thu đạt cao so với dự toán. Kết quả này dù góp phần tăng thu ngân sách nhưng cũng cho thấy dự báo về tác động của đại dịch Covid - 19 đối với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế là chưa đúng mức.

Một vấn đề nữa là thu từ cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả rất thấp. Tình trạng này đã kéo dài 4 - 5 năm nhưng chưa có giải pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu theo nghị quyết của Trung ương. Cụ thể, lũy kế 5 tháng đầu năm, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp mới đạt 228 tỷ đồng. Trong khi đó, dự toán Thủ tướng giao yêu cầu năm nay phải thu vào ngân sách 40 nghìn tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn.

Tương tự, nợ đọng thuế tiếp tục là câu chuyện “nhức đầu” của ngành thuế. Mặc dù với nhiều nỗ lực của ngành, tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 6.2021 chỉ còn 116 nghìn tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng đáng nói là nợ đọng thuế có khả năng thu lại vọt lên 80 nghìn tỷ đồng, tăng 23,2%. 

Từ diễn biến dịch bệnh hiện nay có thể thấy thu ngân sách 6 tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành nhiệm vụ thu hơn 1,1 triệu tỷ đồng trong năm nay, ngành thuế phải đánh giá, xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của dịch đến từng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh và mỗi người nộp thuế để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. 

Về phía Chính phủ, căn cứ vào thực tế, có thể trình Quốc hội xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ hoặc giải pháp cụ thể để tạo cơ sở tăng thu ngân sách. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các nhiệm vụ chi, thu hồi các khoản chi chưa thực sự cần thiết, ưu tiên cho những nhiệm vụ cấp bách, nhất là các khoản chi phòng chống dịch, mua đủ lượng vaccine để hướng tới mục tiêu “miễn dịch cộng đồng” nhằm sớm khôi phục nền kinh tế.

Hà Lan