Phía sau những bức ảnh báo chí
Người làm báo rất nhiều, ai cũng có thể viết, chụp ảnh và thậm chí là quay phim để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, để có một bức ảnh báo chí "đẹp", mà cụ thể là ảnh báo chí chính trị - ngoại giao, chứa đựng nội dung, khoảnh khắc đắt giá thì phóng viên ảnh có lợi thế hơn nhiều, thậm chí có thể nói nhiều trường hợp, chỉ họ mới làm được. Trong một khoảnh khắc, vừa "bắt" thông điệp, vừa tìm vị trí, cân chỉnh tốc độ, ánh sáng, cự ly, rồi bấm máy… cũng đủ làm những giọt mồ hôi phải rơi.
Lưng gù, vai lệch, mắt mở - mắt nheo…
Tôi không còn là một photographer xịn xò nữa, bởi theo yêu cầu công việc đã rời sang cầm bút nhiều hơn. Nhưng phóng viên ảnh nội chính là công việc khởi đầu cuộc đời làm báo của tôi nên nó thật sự ý nghĩa và là một phần đầy tự hào trong tôi. Vì thế, mỗi khi thấy đồng nghiệp chạy sầm sập theo nhân vật, máy ảnh, ống kính lủng lẳng, mắt chỉ nhìn một hướng, không màng đến bất cứ thứ gì xung quanh, mà bỗng thấy nao nao trong lòng. Nói đến đây, chắc phải đưa bộ nhận diện phóng viên ảnh: lưng gù, vai lệch, mắt mở - mắt nheo để độc giả dễ hình dung về chúng tôi.

Chưa kể, mỗi khi tác nghiệp trong không gian nhỏ, hẹp, phóng viên ảnh chỉ ước sao mình có "phép thần thông" như Tôn Ngộ Không để bỗng chốc hóa khổng lồ hoặc tí hon cho dễ "lạng lách". Còn nhớ năm 2010, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton lần thứ 3 thăm Việt Nam nhân 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tại Hà Nội. Khi nhận tin ông có 15 phút đi bộ trên phố Tràng Tiền, chúng tôi được giao nhiệm vụ bám sát và ghi lại các hoạt động của cựu Tổng thống. Lúc đó, giữa một dàn trợ lý, an ninh Mỹ cao chừng 1,9m - 2m với trang phục đen sì, mặt không biểu cảm… chỉ nhìn thôi đã khiếp và rất khó lòng bước qua "hàng rào thép" đó. Nhưng nếu không vượt qua được, đồng nghĩa sẽ không có những bức ảnh ưng ý. Lúc đó, trong đầu tôi chỉ còn một ý nghĩ, bằng mọi giá phải có ảnh. Lợi dụng chiều cao có hạn của mình, tôi chui tọt qua hai cận vệ Mỹ, lao lên bấm lia lịa. Bấm xong thì cũng là lúc cận vệ xốc nách lôi ra khỏi "vùng không cho phép". Quả thật rất sợ nhưng vui!
Ngược lại, chiều cao hạn chế khiến phóng viên ảnh rơi vào tình thế nửa khóc nửa cười. Trong các ngày từ 31.3 - 8.4.2016, tại Lễ Tuyên thệ lần đầu tiên của các nguyên thủ quốc gia, tôi cũng có mặt trong Hội trường Nhà Quốc hội. Khi đó là buổi tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và sau đó là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Máu nghề nổi lên, tôi khắc phục điểm yếu thấp bé của mình bằng cách vác theo một chiếc thang gấp, sẵn sàng tác chiến (tất nhiên phải có sự trao đổi trước với lực lượng an ninh kỳ họp). Sự say nghề đã cho tôi những bức ảnh giá trị. Và thú vị hơn cả là nó đã nhận được sự trân trọng và yêu thích từ chính các nhân vật! Nhớ mãi, khi đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "Ảnh này tớ đứng thẳng thế cơ mà"!
Đỉnh cao là khoảnh khắc
Năm 2011, tôi được Tổng Biên tập cử tác nghiệp tại sự kiện Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bó hoa đầu tiên ông đã dành tặng cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Tôi hiểu giá trị và ý nghĩa của động thái này. Chủ tịch rất coi trọng khối tham mưu, phục vụ, trong đó có chúng tôi. Điều đó đã tạo cảm hứng để tôi tạo ra tác phẩm cho hai nhân vật: đứng đầu Quốc hội và đứng đầu Văn phòng Quốc hội một cách hoàn hảo.
Hôm sau, khi bức ảnh xuất hiện trên Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho "điều tra nhanh" về phóng viên đã chụp. Tôi có hơi hoang mang và lúc đó có đề nghị Trưởng ban Công tác Hội đồng Nhân dân - hiện là Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền - người quản lý trực tiếp của tôi cùng đi gặp Chủ nhiệm. Thật may mắn, chuyến đó chúng tôi ra về trong thắng lớn: được lãnh đạo khen ngợi, được tặng lì xì và cái được lớn nhất là Chủ nhiệm đã tin tưởng, ghi nhận.
Tôi không đề cao bức ảnh về kỹ thuật chụp Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhưng đó là một bức ảnh đầy ý nghĩa. Nó thể hiện sự ấm cúng, hạnh phúc và cùng hướng đến một con đường của hai nhà lãnh đạo. Chỉ đó thôi, cũng dự cảm được một nhiệm kỳ Quốc hội tốt đẹp sắp bắt đầu. Cũng có đôi khi chỉ là một bức ảnh bắt tay xã giao đơn giản, nhưng nếu không cẩn thận, để cái bắt tay chưa chạm tới nhau, để ánh mắt của hai nhân vật đại diện cho hai quốc gia chưa cùng một hướng… sẽ làm câu chuyện chính trị sẽ trở nên vô cùng nhạy cảm.
Nói như vậy để thấy, phóng viên ảnh không thể lúc nào cũng ăn may vào khoảnh khắc. Trong mỗi sự kiện, những khoảnh khắc tốt nhất có thể đến vào bất kỳ lúc nào. Vì thế, mỗi khi tác nghiệp, phóng viên ảnh sẽ không được ngơi nghỉ, phải luôn tập trung quan sát và sẵn sàng trong thế bấm máy. Muốn vậy, họ phải thật sự kiên trì, tập trung và sáng tạo trong mỗi khung hình. Đây là điều bắt buộc để tạo ra sự khác biệt với những bức ảnh của đồng nghiệp khác.
Nhiều khi nhìn bức ảnh một đại biểu Quốc hội đứng ngay ngắn, mặt nhìn thẳng, hùng hồn phát biểu giữa nghị trường đầy thần thái, ai cũng nghĩ bức ảnh này thật đơn giản và không thể làm khó phóng viên ảnh. Nhưng thực tế có đôi khi chúng tôi muốn rụng cả tay, chảy nước mắt, nín thở vác cái body nặng trên 2kg và cái lens chừng hơn thế nữa trên tay chỉ để rình một khoảnh khắc vàng "chờ đại biểu ngẩng mặt"!

Chưa kể, khi lãnh đạo tòa soạn yêu cầu hôm nay phải có ảnh của đại biểu Quốc hội A hay B chẳng hạn để đăng cùng bài viết. Bình thường không sao, trúng phải đại biểu hay dùng ngôn ngữ hình thể khi biểu đạt là vô cùng khổ cho dân ảnh. Được ánh mắt thì cái miệng lại xấu; được khuôn hình thì khuôn mặt lại bất ổn… Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải tìm cách khắc phục.
"Có thể là rỉ tai trước với nhân vật của mình" hoặc phải thuộc được thói quen khi phát biểu của đại biểu mà chọn thời điểm giương máy, bấm nút. Tất cả chỉ để có một khuôn hình hoàn hảo trong mọi hoàn cảnh. Với chúng tôi, lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay đại biểu Quốc hội… là đại diện của quốc gia, dân tộc, bởi thế, giữ gìn hình ảnh cho lãnh đạo, đại biểu là giữ gìn hình ảnh cho quốc gia, dân tộc!
Niềm vui giản dị
Với bất cứ người làm nghề nào cũng vậy, khi công sức bỏ ra được thủ trưởng đơn vị ghi nhận bằng lương, thưởng hay các quyền lợi chính trị đã là niềm vui cực lớn. Nhưng với nghề báo, sự ghi nhận còn đến từ nhân vật, từ độc giả và từ chính các đồng nghiệp của mình. Và khi đó, chúng tôi chỉ có một lựa chọn: Cháy hết mình vì nghề!
Nhớ có lần một phóng viên mới "tham chiến" chính trường Quốc hội đã "tê liệt" hoàn toàn khi đứng trước 500 đại biểu Quốc hội với đủ thành phần từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đến các thành phần đại diện cho mọi tầng lớp, ngành nghề. Hai tay cứng đờ không cử động theo ý muốn, tim đập thình thịch không kiểm soát nổi hơi thở… mà như vậy thì ảnh mất nét là chắc chắn. Lúc đó, tôi bỗng nhìn thấy hình ảnh của mình khi mới bước vào nghề. Cũng sợ, lo, hồi hộp đến nghẹt thở. Tôi nói với bạn ấy, hãy coi họ như người nhà mình thôi, đừng căng thẳng! May mắn, một câu chia sẻ đã giúp bạn phóng viên ấy vượt qua thử thách.
Trong nhiều chuyến tháp tùng các lãnh đạo đi công tác, cánh phóng viên thường xuyên ăn sau, nghỉ sau và chạy trước là chuyện bình thường. Sở dĩ như vậy chỉ là để kịp truyền tin về trước khi sự kiện mới xảy ra. Nhưng có lần Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã làm tôi cảm động đến khóc. Sau khi chương trình làm việc giãn bớt, bà để ý hai bữa ăn liên tiếp đều vắng bóng cánh phóng viên, nhất là phóng viên ảnh.
Bà hỏi anh Đặng Huy (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) rằng, tại sao không thấy phóng viên lên ăn cơm? Sau đó, bà đã xuống khu vực phóng viên đang mải mê biên tập, truyền tin, đứng lặng lẽ chỉ để xem chúng tôi làm việc. Và tất nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đợi bằng được để cùng ăn với chúng tôi. Bữa cơm trưa hôm ấy đã lùi lại 14 giờ 20 phút chiều nhưng lại rất ngon, đậm ân tình của người lãnh đạo Quốc hội với cánh phóng viên báo chí!