Phía sau lòng biết ơn!

- Thứ Ba, 23/11/2021, 06:11 - Chia sẻ
Các thầy cô vừa trải qua một ngày lễ 20.11 đặc biệt khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và đại đa số các nhà trường đang duy trì hoạt động dạy học trực tuyến. Không vì vậy mà các thầy cô cảm thấy chạnh lòng vì cả xã hội vẫn hướng về các thầy cô với tất cả lòng biết ơn.

Truyền thống tri ân có thể là lý do khiến không ít người bước vào một trong những nghề được xã hội tôn vinh là “thầy”. Thế nhưng, sự tri ân ấy không nên và không chỉ được biểu hiện trong một ngày duy nhất trong năm.

Nhà giáo là một nghề cao quý. Đấy là thực tế không ai có thể phủ nhận. Trong xã hội của chúng ta, đó không chỉ là một nghề mà còn được coi là một lý tưởng. Thế nhưng, lý tưởng ấy chỉ trở thành thực tế khi xã hội dành cho nhà giáo sự trân trọng xứng đáng.

Những giáo sư nước ngoài đến làm việc tại các trường đại học ở Việt Nam đều ấn tượng bởi sự lễ phép của sinh viên với thầy cô. Một giáo sư Đức thậm chí nói rằng, dường như các bạn sinh viên kính trọng thầy cô đến mức rụt rè. Ở các nước phương Tây, nơi giáo dục được coi là một dịch vụ, mối quan hệ thầy cô và sinh viên là mối quan hệ nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng.

Sự tôn trọng và biết ơn mà xã hội dành cho các nhà giáo từ bao đời nay đã trở thành động lực cho nhiều người bước vào ngành sư phạm. Trao truyền kiến thức, huấn luyện kỹ năng, giáo dục nhân cách trở thành sứ mệnh của nhiều thầy cô tâm huyết. Sự trân trọng ấy được thể hiện sinh động nhất, rõ nét nhất trong Ngày Nhà giáo.

Thế nhưng, như bao nghề khác, nhà giáo cũng là một phương kế để kiếm sống. Dù tôn vinh nó như một lý tưởng thì chúng ta cũng không nên quên nhà giáo cũng có những mối lo cơm áo gạo tiền như bất kỳ ai khác. Sự toàn tâm toàn ý với sự nghiệp trồng người sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu nhà giáo bớt đi nỗi lo thường trực này.

Sẽ công bằng hơn khi chúng ta nhìn nhận nghề giáo một cách hiện thực, xét đến tất cả các khía cạnh đời sống của nghề nghiệp này. Tất nhiên, trong ngắn hạn, khó có thể kỳ vọng rằng, mức lương có thể tăng đến mức các nhà giáo có thể sống được bằng lương. Các nhà giáo sẽ vẫn phải nỗ lực vượt lên những khó khăn thường nhật để làm tốt công việc của mình. Sự kính trọng của xã hội dành cho nhà giáo chính là ở điểm này.

Tại kỳ họp nào của Quốc hội, giáo dục cũng là lĩnh vực nóng với những vấn đề nổi cộm. Nhiều vấn đề được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội, từ đó chuyển thành chương trình nghị sự của Chính phủ. Thế nhưng, những chuyển biến chưa được như mong muốn của xã hội, của chính ngành giáo dục và các thầy cô. Điều này cho thấy, sẽ cần xác định đúng và trúng hơn trọng tâm, trọng điểm của các chương trình nghị sự này.

Một đồng nghiệp Hàn Quốc của người viết bài này “ước gì được làm giáo viên ở Việt Nam”. Dù chỉ lên lớp với sinh viên Việt Nam một vài buổi, anh cảm nhận được sự quý mến, trân trọng của sinh viên cho thầy cô. Anh bảo, đấy là sự gần gũi mà anh không thấy ở trường của mình, nơi sinh viên coi việc giảng dạy của thầy cô là trách nhiệm với khoản học phí mà họ bỏ ra.

Có điều, anh chưa làm việc đủ lâu ở Việt Nam để hiểu thêm rằng, sự quý mến, trân trọng của sinh viên dành cho thầy cô dù là một niềm cảm hứng bất tận nhưng cũng là một áp lực. Bước chân vào ngành giáo dục, các thầy cô phải nỗ lực hết mình để xứng đáng với kỳ vọng của xã hội trong một nghề nghiệp đầy lý tưởng.

Có 3 chữ “C” trong mọi vấn đề: công việc, con người và chính sách. Điều này có nghĩa là, muốn làm bất kỳ công việc gì đều cần con người phù hợp - phù hợp về thái độ, phẩm chất và trình độ. Để có được con người phù hợp như vậy, khuyến khích họ làm tốt công việc cần có chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp. Sẽ là phi thực tế và bất công với nhà giáo khi đòi hỏi ở họ thật nhiều trong khi sự trân trọng cả về vật chất và tinh thần chưa thực sự phù hợp.

TS. Vũ Thanh Vân