Phép thử hiệu quả điều hành

- Thứ Hai, 22/11/2021, 06:04 - Chia sẻ
Theo Tờ trình số 519 của Chính phủ gửi Quốc hội báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông (giai đoạn 2021 - 2025) thì 12 dự án cao tốc mới với tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng bằng vốn ngân sách sẽ do các địa phương có tuyến đường đi qua làm chủ đầu tư, thay vì một chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, một số địa phương được giao quản lý, triển khai đầu tư đường bộ cao tốc đã tạo tính chủ động, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, tìm kiếm nguồn cung cấp vật liệu xây dựng... Ngoài ra, việc phân cấp từ Bộ về địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố trong quy hoạch và phát triển không gian đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp hai bên đường cao tốc...

Tuy nhiên, trái ngược với nhận định này, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nếu giao cho địa phương làm chủ đầu tư sẽ ảnh hưởng tiến độ, chất lượng. Cụ thể, đại diện Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (PDI), thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, trong thời điểm hiện nay, việc sử dụng vốn ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông là đúng vì triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ rất khó huy động vốn. Tuy nhiên, với 12 dự án cao tốc dự kiến giao cho địa phương thực hiện, do năng lực quản lý dự án của mỗi tỉnh, thành phố khác nhau có thể dẫn đến tiến độ không đồng đều...

Hơn nữa, dù đầu tư theo hình thức PPP thì Nhà nước vẫn phải bỏ 50% vốn chứ không phải 100% xã hội hóa, dự án vẫn có nguy cơ chậm tiến độ do phụ thuộc vốn tín dụng. Ngoài ra, vì nhà đầu tư tư nhân phải đi vay vốn sẽ dẫn đến chi phí dự án tăng, mức phí cao và thời gian hoàn vốn lâu. Nếu Nhà nước đầu tư sẽ rút ngắn thời gian, giảm giá thành, phí đường bộ sẽ thấp, xã hội được hưởng lợi.

Ý kiến khác cũng cho rằng, nếu triển khai 12 dự án cao tốc này theo hình thức PPP sẽ rất rủi ro vì nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách của loại hình đầu tư này chưa được tháo gỡ, nhất là ở khâu huy động vốn. Đây là nguyên nhân chính khiến 5 dự án PPP cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 không thể lựa chọn được nhà đầu tư, phải chuyển sang dùng vốn ngân sách. Mặt khác, các dự án cao tốc phải thực hiện các khâu khảo sát phức tạp, thi công kỹ thuật cao, khi giao dự án cho địa phương dù có thể giúp chủ động về giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu nhưng chất lượng công trình phụ thuộc vào năng lực quản lý của địa phương. Tuyến đường sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư khai thác vận hành sau này nếu chất lượng không tốt...

Ở góc nhìn khác, đại diện một doanh nghiệp tán thành với phương án đầu tư công 12 dự án cao tốc Bắc Nam vì Nhà nước có thể phát hành trái phiếu để đầu tư. Lãi suất trái phiếu thấp hơn nhiều so với lãi suất nhà đầu tư vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại, từ đó sẽ tiết giảm chi phí đầu tư dự án. Nếu địa phương chưa đủ năng lực có thể thuê các ban quản lý chuyên nghiệp để vận hành, thực hiện công tác quản lý đầu tư đúng quy định.

Cần nhấn mạnh rằng, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV diễn ra vừa qua, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lý giải rằng phần lớn do khâu thực hiện tại địa phương, quy định pháp luật không vướng. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nêu hàng loạt nguyên nhân, cả chủ quan, khách quan; rằng dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm; dự án của địa phương thì địa phương chịu trách nhiệm, dự án của Trung ương thì trách nhiệm thuộc về Trung ương...

Thế nhưng thực tế, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Do đó, điều quan trọng, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là phải trả lời được câu hỏi vì sao trong cùng một thể chế, pháp luật như nhau lại có đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp. Nguyên nhân khách quan, chủ quan, cốt lõi là gì, giải pháp là gì?

Vậy nên, với việc dự kiến giao 12 dự án cao tốc cho địa phương làm chủ đầu tư có thể sẽ là phép thử hiệu quả điều hành.

Ninh Hà