Phép thử Covid

- Thứ Ba, 07/09/2021, 07:24 - Chia sẻ

Dịch bệnh là điều không quốc gia, cá nhân nào mong muốn. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, đại dịch Covid-19 là một phép thử khắc nghiệt giúp kiểm chứng toàn hệ thống “cỗ máy” Việt Nam trong giai đoạn khởi đầu con đường đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. Phép thử ấy đặc biệt hữu ích giúp Nhà nước đánh giá chính xác điểm mạnh, điểm yếu hiện hữu, từ đó có những điều chỉnh sát hơn các mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của đất nước.

Trong khoảng thời gian ngắn 3 tháng dịch bùng phát cao điểm ở các tỉnh phía Nam, 2 vấn đề lớn mang tính hệ thống đã bộc lộ. 

Thứ nhất, năng lực của hệ thống chính quyền, đặc biệt là năng lực điều phối để ứng phó với sự kiện khẩn cấp quy mô lớn của chính quyền địa phương chưa như mong đợi. Sự lúng túng, đặc biệt là ứng xử với hệ thống vận chuyển, logistics, đi lại của doanh nghiệp, của người dân, để duy trì cung cấp lương thực và đồ dùng thiết yếu trong phong tỏa, giãn cách bộc lộ rõ nhất điểm yếu về năng lực đó. Sự đứt gãy của hệ thống vận chuyển, vốn là huyết mạch vận hành của mọi nền kinh tế vừa cho thấy sự phân mảnh quyền lực giữa các địa phương, giữa các ngành; đồng thời cũng cho thấy năng lực thực thi công vụ rất hạn chế của bộ máy ở chính quyền cơ sở. Hệ thống chung bị suy yếu vì những phân mảnh và yếu kém về năng lực như vậy. 

Thứ hai, đại dịch cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của phân tầng xã hội, khoảng cách giàu nghèo, mà hệ quả nhìn thấy là mức sống, phúc lợi và an toàn giữa các nhóm người dân. Hai vấn đề đáng chú ý là tỷ lệ nhiễm bệnh cao trong các khu vực người dân sống tập trung đông, không gian nhỏ hẹp, thiếu vệ sinh cũng như tiện nghi cơ bản; và dòng người lao động buộc phải rời bỏ đô thị để trở về quê. Làm sao để thành quả của tăng trưởng kinh tế phân bổ đồng đều đến các tầng lớp dân cư, làm sao có lưới an sinh xã hội hiệu quả là những vấn đề lớn của thập niên sắp tới và cần phải là ưu tiên số một trong chính sách phát triển.

Tuy nhiên, ngay trong đại dịch, tiềm lực đáng kinh ngạc của khu vực tư nhân và nguồn vốn xã hội dồi dào (tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào) cũng gợi mở hướng đi cho tương lai. Sự đóng góp rộng rãi về nguồn lực chống dịch (từ ủng hộ quỹ vaccine; góp máy thở và thiết bị y tế, thuốc men; giải pháp công nghệ…) của các doanh nghiệp lớn cho thấy khu vực tư đã trưởng thành và sẵn sàng đóng vai trò lớn trong việc phối hợp với chính quyền để chống dịch. Và cũng trong đại dịch, tinh thần “lá lành đùm lá rách” dài lâu của người Việt càng được thể hiện khi các nhóm thiện nguyện làm việc tích cực ở các cộng đồng để giúp lương thực, thuốc men hỗ trợ cơ sở y tế, hỗ trợ người khó khăn. Tuy nhiên, tiềm lực này chưa được khai thác đúng mức. Chống dịch vẫn là chuyện của Nhà nước. Y tế tư nhân, các doanh nghiệp công nghệ tư nhân có tiềm năng đóng góp vẫn ở ngoài cuộc và không được trao cơ chế phù hợp để tham gia. 

Những vấn đề mang tính hệ thống gợi ý những điều chỉnh về mục tiêu, chiến lược và cách làm. Củng cố năng lực quản trị quốc gia của hệ thống chính quyền; đặt niềm tin vào khu vực tư nhân, khai thác nguồn vốn xã hội, và xử lý những vấn đề của chênh lệch giàu - nghèo trong tiến trình phát triển là những bài học hệ thống lớn bước đầu có thể học từ đại dịch.

Trong toàn cỗ máy Việt Nam cần tính đến một sự chuyển dịch mới về vai trò của các “bộ phận” lớn, trong đó Nhà nước thiên về lãnh đạo, quản trị tổng thể, điều phối tốt; còn “người làm” nên là khu vực tư nhân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Hợp tác công - tư cần trở thành định hướng lớn trong triết lý huy động nguồn lực để phát triển. Muốn vậy, điều cần thiết đầu tiên là cần có niềm tin, có sự tôn trọng cho khu vực tư và cơ chế tài chính rõ ràng.

Thiệt hại về sinh mạng, về kinh tế do dịch bệnh gây ra cho đất nước là nghiêm trọng. Điều đó càng cấp thiết đặt ra yêu cầu chúng ta học được bài học gì và làm cách nào để khắc phục những điểm yếu mang tính hệ thống mà đại dịch đã phơi bày. Nếu không thực sự nghiêm khắc và nghiêm túc chất vấn, phân tích và tìm câu trả lời, “học phí” được trả bằng sinh mạng người dân, bằng sự đổ vỡ của doanh nghiệp sẽ bị lãng phí. 

Nguyễn Quang Đồng