Phép màu sau hơn 900 ngày nằm viện
Hơn 900 ngày chiến đấu với tử thần trên giường bệnh, chiến sỹ Đinh Văn Dương đã nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ mãi mãi gắn với bệnh viện. Nhưng phép màu dường như lại đến với anh một lần nữa khi anh nhận được thông báo “chuẩn bị được về nhà”.
Ngày đoàn tụ đang đến gần
Là người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay rơi tại Hòa Lạc hồi tháng 7.2014, chiến sỹ Đinh Văn Dương nhiều lúc đã rơi vào tuyệt vọng. Dương có lẽ cũng là bệnh nhân có số ngày nằm viện dài nhất ở Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Dương từng tâm sự với tôi trong lo lắng: “Chẳng biết bao giờ em được về nhà, chắc cả đời phải nằm đây mất, không thấy bệnh viện bảo khi nào em điều trị xong”.
Có lẽ không chỉ có Dương nghĩ thế mà bất cứ ai đã từng dõi theo quá trình nằm viện của Dương, biết được hình hài của chiến sỹ này sau vụ nổ máy bay đều không dám nghĩ về một ngày mai tươi sáng khi Dương có thể rời xa giường bệnh.
Là một trong 3 người còn sống sau vụ nổ máy bay, 2 chiến sỹ đã lần lượt ra đi trong lúc điều trị. Dương mất toàn bộ chân tay, bỏng sâu toàn thân với độ bỏng 99%, các y bác sỹ viện Bỏng Quốc gia đã nhiều lần phải rơi lệ vì sự bất lực của y học trước trường hợp của Dương. Nhưng rồi, sau 24 ca mổ, ngày nào cũng làm các xét nghiệm đủ loại, bản thân Dương và các y, bác sỹ Viện Bỏng quốc gia đã giành giật cuộc sống cho Dương từng giây từng phút. Nhiều lần Dương ngừng thở, các bác sỹ chuẩn bị “buông tay”, gia đình chuẩn bị lo hậu sự thì “phép màu” lại đến khi Dương bất ngờ tỉnh dậy…
Sau gần 3 năm điều trị, Dương lại tiếp tục nhận được món quà lớn từ cuộc sống khi có thông báo sắp được ra viện.
![]() | |
Chiến sỹ Đinh Văn Dương nghiên cứu về kinh doanh online | |
Ảnh: Phượng Hoàng |
Dương cho biết, trước khi nhận được thông tin mình sẽ ra viện, đơn vị nơi Dương công tác cũ cũng đã hoàn tất thủ tục xuất ngũ cho Dương. Với chứng nhận thương binh ¼ loại A, chiến sỹ Đinh Văn Dương sẽ nhận được gần 100 triệu tiền bảo hiểm và hưởng lương (kèm chế độ cho người chăm sóc) đến suốt đời.
Nghĩ đến ngày sắp được về ngôi nhà mới do Bộ Quốc phòng mua tặng (trước đây, gia đình chiến sỹ Đinh Văn Dương sống khá chật vật trong ngôi nhà 20m2 đi thuê), Dương bùi ngùi nói về quá trình chữa bệnh của mình: “Đơn vị và các bác sỹ, y tá… đã hết lòng với em để em có ngày hôm nay. Thực sự, em đã không dám nghĩ mình sẽ được sống tiếp… Em không biết phải trả ơn mọi người thế nào cho xứng đáng nữa!”
“Dù thế nào cũng vẫn phải sống”
Nói đến ngày về nhà trong sự vui mừng, phấn khởi nhưng dường như trong đôi mắt người chiến sỹ trẻ vẫn chất chứa những âu lo. Dương nói vừa buồn vừa hài hước: “Vui thì vui thật nhưng em cũng lo lắm! Giờ mình thế này, chẳng biết về sẽ hòa nhập thế nào với đời. Giờ ở bệnh viện, có nhiều người cũng bị bỏng nặng mà xuống sân thi thoảng còn có người chỉ trỏ bàn luận bảo em giống “người hành tinh khác” rồi. Nghe vậy em bực lắm. Nhưng dù thế nào thì cũng vẫn phải sống để không phụ công mọi người. Em vẫn ước có đôi chân “mềm” để đi lại thuận tiện, ước có 1 bàn tay để tự cầm nắm được những vật dụng đơn giản. Em không muốn mình phải phụ thuộc, phiền toái mọi người. Em đang nghĩ tới việc nếu có tay (chỉ cần 1 bàn tay thôi chứ không cần phải đủ cả 2), có chân để đi lại thuận tiện thì khi về nhà em sẽ kinh doanh online để kiếm sống. Giờ một mình vợ em vừa phải đi làm vừa phải lo cho 2 đứa con rất vất vả. Không chia sẻ được nhiều công việc nữa em rất áy náy. Mình tàn tật nhưng không thể ngồi như một cục thịt được! Em muốn tạo ra một nhãn hàng mang tên “Dương cộc…”.
Tôi hiểu những lo toan của Dương! Người chiến sỹ này dù đã có một hình hài đặc biệt, không chân, không tay nhưng vẫn mong muốn mình tiếp tục được lao động, tiếp tục được cống hiến cho đời. Nhưng một đôi chân “mềm” hay 1 bàn tay cầm nắm được đều là những ước mơ. Để có tiền mua được những chiếc chân giả, tay giả như thế, các quy định về bảo hiểm hiện hành không thể thực hiện được.
Dương đã có một mái nhà để đi về, không còn cảnh thuê trọ nữa nhưng khi trở về nhà với chứng nhận thương tật loại 1 thì số tiền hàng tháng nhận được cũng chỉ đủ để sống chứ không thể mua được chân, tay giả giúp anh có thể sinh hoạt được bình thường. Trong những ngày nằm viện, Dương đã tự tìm hiểu về các loại chân, tay giả… Dương đã gọi điện cho nhiều công ty cung cấp loại “hàng hóa” đặc biệt này nhưng khi nghe đến số tiền phải chi trả để có được 1 cánh tay và đôi chân… thì Dương lại thêm một lần “rụng rời” vì anh biết chắc chắn mình không đủ khả năng!
![]() | |
Bà Trịnh Thị Đông - mẹ của chiến sỹ Đinh Văn Dương luôn túc trực bên con trai | |
Ảnh: Phượng Hoàng |
Rời bệnh viện, rời quân ngũ cũng là lúc Dương phải lo cho cuộc sống hàng ngày. Trước mắt là mẹ Dương, bà Trịnh Thị Đông, người đã luôn túc trực bên cạnh Dương suốt hơn 900 ngày nằm viện, tới đây sẽ chuyển hẳn từ quê lên Hà Nội để tiện chăm sóc cho con trai. Chia sẻ với tôi, bà ngậm ngùi: “Thôi mẹ con đành chấp nhận khó khăn. Giờ con tôi như thế cũng là may mắn, tôi không ở cạnh thì ai giúp đỡ nó. Cả hai đứa con nó còn quá bé, vợ nó cũng vẫn còn phải đi làm để lo cho các con! Tôi cũng mong cho con mình có được chân, tay để tự nó lo được cho cuộc sống. Nhưng có lẽ sẽ khó…”
Không biết bao lâu nữa, ước mơ về bàn tay, đôi chân của chiến sỹ Đinh Văn Dương mới trở thành hiện thực. Nhưng ở Dương vẫn là nghị lực vươn sống, dũng khí không chịu khuất phục khó khăn của người lính. Hy vọng, một ngày thật gần, khi trở về cuộc sống đời thường, người lính Đinh Văn Dương sẽ lại tiếp tục tạo nên những kỳ tích khác bằng nghị lực của bản thân và bằng cả những yêu thương mà cuộc đời trao tặng cho anh!
Theo thông tin mới nhất tôi vừa nhận được, sau khi ra viện Chiến sĩ Đinh Văn Dương sẽ về trung tâm điều dưỡng thương binh nặng (Thuận Thành, Bắc Ninh).